Multimedia Đọc Báo in

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn từ nghề may gia công

08:02, 07/08/2019

Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hội LHPN xã Ea Bông (huyện Krông Ana), nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn xã đã có việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ nghề may gia công.

Năm 2000, sau khi học xong nghề may, chị Nguyễn Thị Anh Tuyết (buôn Ea Kruế) đã quyết định đầu tư mua sắm máy móc, vật liệu để mở cơ sở may rèm màn tại nhà. Đây cũng là thời điểm các dịch vụ cưới hỏi tại địa phương phát triển mạnh nên chị Tuyết nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhờ vậy có thu nhập ổn định từ nghề. Thế nhưng, từ năm 2005 nhu cầu sử dụng rèm màn may của người dân ngày càng ít, cùng với đó nhiều cơ sở may thi nhau mọc lên, nguồn thu từ công việc này không còn đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày nên chị nghĩ cần tìm kiếm việc làm thêm để phát triển kinh tế gia đình.

Chị Phạm Thị Kiều (bên phải) làm việc tại Tổ may mặc buôn Ea Kruế.
Chị Phạm Thị Kiều (bên phải) làm việc tại Tổ may mặc buôn Ea Kruế.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về sản phẩm may mặc, năm 2016 qua sự giới thiệu của người thân và bạn bè, chị nhận gia công các loại quần áo cho một số công ty may mặc tại TP. Hồ Chí Minh. Trung bình, mỗi tháng cơ sở của chị nhận gia công từ 3.000 - 4.000 bộ quần áo (chủ yếu là đồ bộ nữ). Để làm ra một sản phẩm may mặc cần phải trải qua nhiều công đoạn như cắt vải, vắt sổ, ráp đô, se lai… cần nhiều công lao động nên chị đã huy động thêm thợ may tại địa phương. Nhờ đó đã tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ có thời gian rảnh rỗi hay đang nuôi con nhỏ, giúp họ có thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt.

Đơn cử như chị Đỗ Thị Thanh Thủy (thôn Hòa Trung) từng làm công nhân may tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Năm 2016, sau khi lập gia đình và sinh con, chị nghỉ hẳn ở nhà không đi may nữa. Từ ngày cơ sở gia công của chị Tuyết đi vào hoạt động, chị đến xin nhận hàng về làm tại nhà với mức lương ổn định 2,5 triệu đồng/tháng giúp chị có thêm khoản tiền để mua sữa cho con và chi tiêu hằng ngày. Theo chị Thủy, công việc này giúp chị có thêm thu nhập nhưng vẫn có thể chăm sóc, đưa đón con cái đi học và phụ giúp chồng làm rẫy.

 
"Đa số phụ nữ trên địa bàn xã đều sống bằng nghề nông nên nghề may gia công đã giúp nhiều chị em có việc làm, tận dụng lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống mà không phải xa nhà”.
 
 Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Bông Vương Thị Lập

Nhận thấy mô hình may gia công góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương, tháng 5-2019, Hội LHPN xã Ea Bông đã đứng ra thành lập Tổ may mặc tại buôn Ea Kruế với 15 thành viên, do chị Nguyễn Thị Anh Tuyết làm tổ trưởng. Khi tổ may thành lập, chị Tuyết đã bỏ tiền túi hơn 100 triệu đồng mua thêm 14 máy may công nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất.

Chị Tuyết cho biết: “Chị em đến làm việc tại Tổ may mặc ăn lương theo sản phẩm, làm nhiều thì sẽ hưởng nhiều nên mọi người ai cũng hăng hái và chăm chỉ làm việc. Từ khi cơ sở được mở rộng, thay vì nhận hàng về nhà làm thì nay thợ may đã có nơi làm việc rộng rãi và có cơ hội gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao tay nghề.”

Hiện Tổ may mặc đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động nữ với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Chị Phạm Thị Kiều (thôn Hòa Đông) mới làm việc tại đây được 2 tháng nhưng đã có mức thu nhập thuộc diện cao trong tổ. Trước đây, chị Kiều có mở quán nước để buôn bán nhưng thu nhập bấp bênh nên gia đình thường lâm vào cảnh túng thiếu. Khi xin vào làm ở Tổ may mặc, nhờ có nhiều năm kinh nghiệm về nghề may và chăm chỉ làm việc nên thu nhập của chị luôn ổn định ở mức 4 triệu đồng/tháng.

Các thành viên trong Tổ may mặc kiểm tra hàng trước khi giao cho công ty.
Các thành viên trong Tổ may mặc kiểm tra hàng trước khi giao cho công ty.

Ngoài tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn nhàn rỗi thì Tổ may mặc còn sẵn sàng đào tạo nghề may ngắn hạn miễn phí cho hội viên, phụ nữ và sắp xếp việc làm cho những ai có nhu cầu ngay khi học xong, giúp họ có thể gắn bó lâu dài và sống tốt với nghề. Trong thời gian tới, Tổ sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thêm nguồn hàng giúp các thành viên tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ở địa phương hơn nữa.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.