Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng chính sách: Sức lan tỏa từ một chủ trương lớn của Đảng

08:58, 28/08/2019

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40), công tác tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và tăng thu nhập cho người dân.

Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Để Chỉ thị 40 phát huy hiệu quả thực tiễn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, các địa phương cùng với hệ thống Ngân hàng CSXH tổ chức thực hiện, giám sát, nâng cao hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi. Đặc biệt, việc ưu tiên nguồn lực bổ sung để hỗ trợ cho vay đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm nên hoạt động tín dụng chính sách có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng tín dụng được nâng lên, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng tại xã Krông Nô, huyện Lắk.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng tại xã Krông Nô, huyện Lắk.

Chẳng hạn, trên địa bàn huyện Buôn Đôn, tổng doanh số cho vay sau 5 năm đạt gần 391 tỷ đồng, với 16.674 lượt hộ vay vốn, bình quân 23,4 triệu đồng/lượt hộ. Hiện tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện đạt 287 tỷ đồng, tăng gần 115 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn Vong Nhi Ksơr cho biết, là một huyện nghèo, nên Đảng bộ huyện luôn dành nhiều sự quan tâm đến đời sống của hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, gắn với kế hoạch xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Tổng số tiền ngân sách huyện chuyển sang Ngân hàng CSXH để cho vay đạt hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó có 3,2 tỷ đồng thực hiện từ khi có Chỉ thị số 40.

Còn tại huyện Krông Búk, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng, ủy thác thông qua bốn tổ chức hội, đoàn thể là Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên, tổng dư nợ hơn 237 tỷ đồng, với 9.433 hộ vay vốn. Để vốn chính sách đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi và xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn và xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan. Đồng thời, việc bình xét cho vay được thực hiện công khai, dân chủ tại các tổ vay vốn với sự chứng kiến của lãnh đạo hội, đoàn thể cấp xã và trưởng các thôn, buôn. Nhờ đó, dù có dư nợ tương đối lớn, nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện luôn duy trì kết quả không có nợ quá hạn.

Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH tỉnh, dư nợ tín dụng chính sách hằng năm trên địa bàn tăng trưởng cao, năm 2015 tăng 9,2%, năm 2016: 11,67%, năm 2017: 8,49%, năm 2018: 10,02%. Hiện tổng dư nợ đạt 4.656 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2019 tăng trưởng từ 8 - 10%. Đến nay, dư nợ cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 4.651 tỷ đồng, với 160.902 khách hàng. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,45% thời điểm cuối năm 2014 hiện giảm xuống còn 0,13%, trong đó có 60 xã, 424 hội, đoàn thể cấp xã không có nợ quá hạn.

Thêm động lực cho công tác giảm nghèo

Từ tháng 12-2014 đến nay, toàn tỉnh có gần 300 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh. Nhờ sử dụng nguồn vốn này, đã có 70.760 hộ thoát nghèo; 16.745 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 9.426 lao động được tạo việc làm; 5.835 căn nhà và 125.045 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho hộ nghèo được xây dựng.

Một người dân ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) vay vốn chính sách để phát triển chăn nuôi bò.
Một người dân ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) vay vốn chính sách để phát triển chăn nuôi bò.

Một trong những hộ được hưởng lợi từ tín dụng chính sách là chị Đoàn Thị Sa (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông). Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, đất canh tác ít, không có việc làm ổn định nên cuộc sống rất khó khăn, chật vật. Năm 2015, chị vay 35 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mua 3 con bò giống về nuôi. Hiện đàn bò không những giúp chị trả hết nợ ngân hàng mà còn mua thêm được 3 con bò để tiếp tục phát triển chăn nuôi. Với thu nhập từ “bò ngân hàng”, gia đình chị đã không còn thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước.

Tương tự, năm 2016, chị Lê Thị Hậu (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) được vay 40 triệu đồng vốn chính sách ưu đãi để mở rộng cơ sở rang xay cà phê của gia đình. Nhờ nguồn vốn này, việc sản xuất, kinh doanh của gia đình chị hoạt động ổn định, mỗi năm cơ sở xuất đi thị trường TP. Hồ Chí Minh khoảng 4 tấn cà phê rang, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách đã đến với hàng vạn hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tạo niềm tin cho người dân về sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.

Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng nhân văn này, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH, coi đó là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình và kế hoạch hoạt động; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cho vay ủy thác chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về tín dụng CSXH đến người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả và lồng ghép với các chương trình, dự án khác. Đồng thời, làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Để tạo thêm nguồn vốn ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, từ năm 2020 trở đi, mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ chuyển sang Chi nhánh Ngân hàng CSXH tối thiểu 20 tỷ đồng; TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ chuyển sang ít nhất 2 tỷ đồng; huyện Lắk, Krông Bông, Buôn Đôn, M’Đrắk và Ea Súp mỗi huyện chuyển tối thiểu 500 triệu đồng, các huyện khác tối thiểu 1 tỷ đồng.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.