Đồ chơi trẻ em hàng Việt lên ngôi
Mỗi dịp Trung thu, đồ chơi trẻ em luôn là mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất. Trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng địa phương, những năm gần đây đồ chơi an toàn được chú trọng và ưu tiên chọn mua nhiều hơn cả.
Dịp Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng đồ chơi trẻ em đang tăng cao từng ngày. Theo nhiều chủ kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, dịp mua sắm này được coi là trọng điểm trong năm, chỉ đứng sau Tết Nguyên đán. Sức mua tăng lên thấy rõ ngay từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, bước sang tháng 8 thì tập trung cao hơn.
Tuy nhiên, dịp này cũng là cơ hội để gian thương cố tình bày bán đồ chơi không rõ nguồn gốc, đồ chơi bạo lực, độc hại từ nước ngoài nhập về tiêu thụ trong nước. Để bảo vệ người tiêu dùng và chống gian lận về chất lượng ở mặt hàng đồ chơi trẻ em, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đang mạnh tay xử lý việc kinh doanh mặt hàng này trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường trước Trung thu 2019, từ ngày 15-8 đến nay, các Đội trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và tịch thu hơn 1.300 sản phẩm đồ chơi trẻ em vi phạm về nhãn hàng hóa. Qua đó, Cục đã lập biên bản, xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng về hành vi bày bán hàng hóa không ghi đúng các nội dung bắt buộc theo quy định.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, so với những năm trước, thị trường đồ chơi dành cho trẻ em đang có những chuyển biến tích cực. Theo đó, số lượng đồ chơi Trung Quốc bày bán trên thị trường đang có xu hướng co cụm lại và nhường chỗ cho đồ chơi trong nước sản xuất.
Một trẻ em ở TP. Buôn Ma Thuột chọn mua đồ chơi do trong nước sản xuất. |
Thị hiếu mua đồ chơi của người tiêu dùng cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Có thâm niên hơn 15 năm kinh doanh đồ chơi trẻ em, chị Nguyễn Thị Kim Hạnh, chủ một cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, bản thân người bán như chị cũng rất muốn bán hàng do trong nước sản xuất. Những năm trước, do đồ chơi hàng Việt không nhiều, thậm chí rất ít mẫu mã nên cửa hàng chị toàn phải nhập hàng Trung Quốc về bày bán phục vụ người tiêu dùng. Nhưng mấy năm gần đây, hàng Việt Nam liên tục ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng mới nên cứ mặt hàng nào Việt Nam có thì chị nhập về bán.
Về phía các bậc phụ huynh, nhiều người có tâm lý định hướng cho con em mình trong việc lựa chọn đồ chơi trong nước sản xuất vì vừa có tính giáo dục, vừa có chiều sâu văn hóa dân tộc. Bước ra khỏi cửa hàng đồ chơi trẻ em với chiếc lồng đèn giấy và bộ đồ chơi xếp hình trên tay, anh Trần Ngọc Minh (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, mỗi năm đến dịp Trung thu, dù rất chiều con nhưng anh cũng hướng cho con mua những sản phẩm do trong nước sản xuất mang tính truyền thống, giá vừa phải, coi như một cách vừa chơi vừa học. Đồng thời, tránh xa các loại đồ chơi Trung Quốc màu sắc sặc sỡ vì nghe nói có nguy cơ nhiễm chì cao do sử dụng hóa chất để tạo màu.
Đồ chơi Trung thu truyền thống được nhiều phụ huynh chọn mua làm quà cho con trẻ dịp này. |
Đáp lại với thị hiếu, mong muốn của người tiêu dùng thì đồ chơi Việt cũng đang có sự cải tiến đáng kể. Mặt hàng này do trong nước sản xuất đang dần tạo chỗ đứng trên thị trường nhờ mẫu mã đa đạng, phong phú hơn hẳn so với trước đây.
Chị Vũ Thị Kim Lệ Mai, chủ cửa hàng đồ chơi tại đường Y Jút (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, nếu như những năm trước, cửa hàng của gia đình chỉ chủ yếu nhập đồ chơi từ Trung Quốc, mặt hàng này chiếm đến hơn 70% tổng số lượng hàng hóa bày bán, thì nay tỷ lệ đồ chơi Việt Nam đã chiếm tỷ lệ đến 50%. Hàng do trong nước làm ra có nhiều mẫu mã đẹp, có kiểm định chất lượng, quan trọng nữa là giá thành hợp lý hơn so với hàng ngoại. Chẳng hạn, xe ô tô, tàu hỏa, bộ lắp ghép có giá từ 65.000 - 300.000 đồng/sản phẩm; bộ đồ chơi nấu ăn, búp bê giá dao động từ 95.000 - 250.000 đồng/bộ; xúc xắc gỗ có giá 70.000 - 200.000 đồng/sản phẩm…
Theo nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này, đồ chơi trẻ em hàng Việt đang có sự đột phá về chất liệu cũng như kiểu dáng nên hút hàng hơn. Sản phẩm đồ chơi trong nước sản xuất không chỉ giới hạn một vài mẫu mã như trước mà còn rất đa đạng, bắt nhịp được với xu hướng tiêu dùng, có tính trí tuệ ngày càng cao. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc