Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả bước đầu từ trồng rừng ở Hòa Lễ

09:21, 23/09/2019

Xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) hiện có 117 ha rừng tập trung và trên 30.000 cây bạch đàn, keo tai tượng, sao đen… trồng phân tán ở các khu dân cư, vườn tạp, dọc đường giao thông… Hầu hết diện tích này đã và đang trong thời kỳ khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Năm 2006, sau khi tìm hiểu giá trị kinh tế của một số loại cây rừng, ông Lý Trường Phát (ở thôn 7) đã liên hệ với một số người quen nhờ mua 3.000 cây giống bạch đàn cấy mô từ TP. Hồ Chí Minh về trồng trên những diện tích đất cằn cỗi của gia đình. Để cây bạch đàn phát triển, ông áp dụng phương pháp trồng và chăm sóc theo quy trình mới là mỗi héc-ta trồng 2.500 cây, năm đầu tiên tập trung làm cỏ bón phân; khi bạch đàn được 3 năm tuổi thì sẽ loại bỏ những cây còi cọc, để những cây còn lại đủ dinh dưỡng lớn nhanh. Tháng 10-2018, với 7.500 m2 bạch đàn trồng năm 2006, nhiều người đến trực tiếp liên hệ mua với giá 300 triệu đồng, song ông Phát vẫn chưa đồng ý bán với lý do đây là thời điểm cây bạch đàn phát triển mạnh nhất.

Rừng bạch đàn của gia đình ông Lê Văn Lọ (thôn 11) trồng bao quanh vườn cà phê.
Rừng bạch đàn của gia đình ông Lê Văn Lọ (thôn 11) trồng bao quanh vườn cà phê.

Cách đây hơn 10 năm, ông Lê Văn Lọ (thôn 11) bắt tay vào trồng bạch đàn trong vườn nhà. Ông chọn giống bạch đàn Úc bởi đây là loại cây phù hợp với việc trồng phân tán, không làm xấu đất hoặc ảnh hưởng nhiều đến các loại cây trồng khác gần đó. Ông trồng 492 cây bạch đàn Úc quanh bờ lô 3 ha đất vườn nhà. Qua hơn 10 năm chăm sóc, vườn bạch đàn của gia đình ông phát triển xanh tốt, hiện tại đã có rất nhiều doanh nghiệp đến đặt vấn đề thu mua khai thác trọn gói với giá 600 triệu đồng.

Sớm nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng, ông Nguyễn Hữu Kỳ (thôn 11) quyết định chuyển đổi 3 ha đất trồng sắn sang trồng keo tai tượng, một loại cây dùng làm nguyên liệu giấy và một số công dụng khác. Đến nay, qua 5 năm chăm sóc, rừng keo tai tượng của gia đình ông phát triển khá tốt và có thể khai thác. Theo giá thị trường hiện tại, nếu bán hết 3 ha thì gia đình ông sẽ thu được 450 triệu đồng, đây là nguồn thu không nhỏ đối với một gia đình nông dân… Ông Kỳ chia sẻ, dù trồng cây keo tai tượng đòi hỏi thời gian kéo dài trên 5 năm mới cho thu hoạch nhưng chi phí đầu tư thấp, khi mới trồng thì chỉ cần bón một lượng phân vừa đủ để cây phát triển, còn những năm sau chỉ chú trọng việc vệ sinh thực bì để tránh bị cháy trong mùa hanh khô.

Ông Nguyễn Hữu Kỳ trong rừng keo tai tượng của gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Kỳ trong rừng keo tai tượng của gia đình.

Ông Võ Châu Thắng, cán bộ nông lâm nghiệp xã Hòa Lễ cho biết, để mở rộng diện tích trồng  rừng tập trung, hằng năm xã đã liên kết với Dịch vụ bảo vệ môi trường rừng, Vườn Quốc gia Cư Yang Sin tổ chức cho bà con đăng ký trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc trên các diện tích có độ dốc 10% trở lên. Đối với trồng rừng phân tán thì xã giao cho các đoàn thể nhận trồng, chăm sóc trên các tuyến đường giao thông nông thôn và những khu công cộng. Nhờ vậy, đến nay phần lớn những diện tích rừng trồng của các gia đình đều phát triển và được các doanh nghiệp đề nghị mua với giá cao, nhiều tuyến giao thông có cây che bóng mát.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.