Những con đường khởi nghiệp của giới trẻ
Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng nhiều chàng trai, cô gái đã ấp ủ và mạnh dạn thực hiện những ý tưởng kinh doanh, từ đó mang lại thành công cho bản thân và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ tại địa phương.
Độc đáo “buffet cơm”
Bỏ dở việc học đại học, anh Thái Hoài Nam (sinh năm 1991, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) bén duyên với con đường kinh doanh ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Thế nhưng, đến nay thành công và ấn tượng nhất phải kể đến mô hình “buffet cơm”, cơm trưa văn phòng tự chọn. Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh mới lạ này của mình, anh Nam cho rằng, cơm được xem là thực phẩm không thể thiếu của người Việt. Hơn nữa, mô hình buffet (tự chọn) là một hình thức ăn uống đang được người Việt hết sức ưa chuộng vì sự thoải mái khi thưởng thức bữa ăn, trong khi tại địa phương chưa có nhà hàng, quán ăn nào kinh doanh mô hình này.
Từ suy nghĩ đó anh hình thành ý tưởng kinh doanh “buffet cơm”, trong đó chú trọng đến đối tượng khách hàng là công nhân, cán bộ, viên chức. Để ý tưởng nhanh chóng biến thành hành động, anh Nam đã thuê mặt bằng ngay gần Trung tâm hành chính huyện Cư Kuin để mở quán ăn với tên “Đệ nhất quán” và thuê đất để trồng rau sạch phục vụ cho chính quán ăn của mình.
Khách hàng ăn cơm tự chọn tại “Đệ nhất quán” của anh Thái Hoài Nam. |
Nhằm đáp ứng được phần đông nhu cầu của khách hàng, anh Nam quy định giá cho mỗi suất ăn “buffet cơm” là 30 ngàn đồng. Tuy giá cả vừa phải nhưng thực đơn khá phong phú, đa dạng, được thay đổi thường xuyên, gồm hơn 10 món ăn từ thịt bò, thịt gà, thủy hải sản đến các loại rau củ, các món gỏi… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, “Đệ nhất quán” còn phục vụ các món nhậu với thực đơn khá phong phú nên mỗi ngày, quán đón tiếp khoảng 100 khách, bữa trưa thường đông hơn bữa tối do khách đa phần là người đi làm công sở quanh khu vực.
Khi được hỏi về doanh thu, anh Nam cho biết, mô hình cơm buffet tuy không cho lãi cao nhưng cũng không lo lỗ do các mục cần chi trả phí như: nhân công, thuê nhà đều đã được tiết giảm một cách tối đa. Hơn nữa, với hình thức buffet, phần ăn của người nọ bù cho người kia nên có thể bảo đảm chi phí. Quan trọng nhất là mọi người đều cảm thấy thoải mái ăn những gì mình thích và ăn trong khả năng bản thân. Như vậy, người ăn khỏe không lo đói, người ăn ít không lo lãng phí.
Chị Đ.T.T, một cán bộ công tác tại UBND huyện Cư Kuin chia sẻ, chị kén ăn lại ăn ít nên nhiều khi ăn ở các chỗ khác bỏ thừa cơm với thức ăn rất phí. Ở đây được tự xúc cơm, tự lấy thức ăn, thoải mái như ở nhà, lại còn có chục món ăn để chọn được nên chị rất thích. Còn anh N.T.Q (xã Hòa Hiệp) cũng tỏ ra khá hài lòng với chất lượng bữa ăn tại quán. Vì anh là công nhân xây dựng, so với đồng lương công nhân thì suất cơm 30 nghìn đồng chưa phải là quá rẻ. Song so với sức ăn của công nhân thì 30 nghìn mà được ăn thoải mái thì không còn gì bằng.
Khởi nghiệp với mỹ phẩm thiên nhiên
Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp có nguồn gốc từ thiên nhiên luôn là sự lựa chọn hàng đầu của mọi đối tượng khách hàng. Nắm bắt được xu thế đó, cùng với chứng kiến những rủi ro mà gia đình và người thân gặp phải khi sử dụng sản phẩm làm đẹp kém chất lượng, chị Phạm Thị Thu Hằng (sinh năm 1986, ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc), người sáng lập ra thương hiệu Pam’s, đã dành nhiều tâm huyết để bào chế ra các loại mỹ phẩm được chiết xuất từ những đặc sản của Tây Nguyên như: cà phê, bơ, chanh dây, sáp ong…
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh học (Trường Đại học Tây Nguyên) năm 2009, chị Hằng giảng dạy môn Sinh học tại Trường THPT Phan Đình Phùng ở xã Ea Kly (huyện Krông Pắc). Tuy nhiên, do sở thích sản xuất và đam mê chế tạo các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên nên chị không ngừng tìm hiểu, điều chế. Thời gian đầu, chị Hằng đã tự học cách bào chế ra các loại mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên như tinh dầu bơ, tinh dầu chanh dây, tinh dầu gấc và xà phòng thiên nhiên… Sản phẩm bào chế ra, trước tiên để cho gia đình sử dụng và sau là tặng người thân, bạn bè. Thật bất ngờ, khi những sản phẩm chị đem tặng đều nhận được những phản hồi tích cực. Một số người còn đặt mua để tặng cho người thân, bạn bè của họ. Đó là những đơn hàng đầu tiên nhưng vô cùng quý giá của chị.
Chị Phạm Thị Thu Hằng giới thiệu các sản phẩm do mình làm ra tại Hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đắk Lắk - Cơ hội và thách thức. |
Sau gần 1 năm tìm hiểu xà phòng thiên nhiên, chị nhận thấy ở Việt Nam mà cụ thể là tại Đắk Lắk, nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên rất phong phú và giá thành không quá đắt, bởi vậy có thể tạo ra được những sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên chất lượng cao không kém hàng ngoại nhập mà giá thành lại có thể cạnh tranh được. Từ đó, chị Hằng bắt đầu có một chiến lược nghiêm túc về việc sản xuất mỹ phẩm sạch, an toàn. Năm 2018, các sản phẩm của chị chính thức gia nhập thị trường, với cái tên ban đầu là Peamea, sau đó đổi thành Pam’s. Sản phẩm của Pam’s có tiêu chí đầu tiên là nguyên liệu sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Không chỉ cung cấp sản phẩm, chị Hằng còn là người bạn đồng hành với những lo lắng, thắc mắc của khách hàng thông qua việc chia sẻ những giải pháp làm đẹp bền vững, nâng cao nhận thức cho khách hàng từ việc cung cấp giải pháp làm đẹp “thuận tự nhiên”.
Với dòng sản phẩm đặc thù là mỹ phẩm thiên nhiên, nguồn nguyên liệu là yếu tố đầu tiên để tạo được uy tín với khách hàng. Bởi vậy, chị Hằng đã lặn lội tìm về những vùng nguyên liệu đã có thương hiệu để đặt riêng các hương liệu, củ, quả theo đúng yêu cầu. Một số khác không phải là nguồn nguyên liệu lợi thế của các địa phương thì chị nhập ở ngoài tỉnh. Các sản phẩm của Pam’s trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng tại cơ quan quản lý. Theo chị Hằng, để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và tương tác tốt hơn với từng khách hàng, chị sẽ bắt tay với các đối tác để đẩy mạnh khâu tiếp thị, mở rộng hệ thống cửa hàng nhập sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên của chị. Đặc biệt là chị thường xuyên tham gia các hoạt động về trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Ngoài sản xuất xà phòng thiên nhiên, với nhiều loại soap handmade dùng cho cả tắm và rửa mặt, hiện nay, Pam’s đã có 5 dòng sản phẩm về chăm sóc sắc đẹp. Mỗi dòng lại có nhiều sản phẩm khác nhau chuyên biệt cho từng loại da, từng sở thích và mục đích sử dụng của khách hàng. Doanh thu từ Pam’s trong năm đầu tiên mang lại cho chị Hằng gần 100 triệu đồng. Dự tính trong năm tiếp theo con số này sẽ tăng lên gấp đôi. Mặc dù Pam’s chỉ là “nghề tay trái” nhưng nhờ niềm đam mê và quyết tâm hiện thực những ý tưởng kinh doanh của mình mà chị Hằng đã xây dựng được một thương hiệu độc đáo, mang lại ý nghĩa và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.
Ước mơ đưa nông sản vươn xa
Xuất thân từ gia đình làm nông ở Nam Dong (Cư Jút, Đắk Nông), Lê Thị Trang (SN 1992), Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nutri Soil (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) thấu hiểu những vất vả, nhọc nhằn của người nông dân “một nắng, hai sương”, năng suất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, sâu bệnh. Thêm vào đó, sản phẩm nông nghiệp làm ra lại phụ thuộc nhiều vào giá cả... Ngay từ nhỏ, Trang đã luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để có thể nâng cao giá trị, tìm đầu ra ổn định, từ đó phát triển thị trường, đưa nông sản của địa phương vươn xa.
Lê Thị Trang kiểm tra chất lượng các mẫu sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. |
Với những dự định ấp ủ dài lâu, năm 2013, Trang xin nghỉ việc tại VNPT Đắk Lắk để dành thời gian và tâm huyết thực hiện ước mơ của mình, bắt đầu bằng việc kinh doanh các mặt hàng nông sản với một gian hàng nhỏ giới thiệu sản phẩm tại Khách sạn Sài Gòn – Ban Mê. Trong giai đoạn này, Trang đã tiếp xúc với nhiều khách hàng, đặc biệt là các đoàn du khách đến tìm mua các sản phẩm nông sản, trong đó có ca cao. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, Trang thường dẫn các đoàn khách đi thăm vườn ca cao để giới thiệu, thưởng thức sản phẩm tại chỗ. Nhiều du khách rất thích thú và gợi ý nên tiến tới bán đại trà, tạo thương hiệu cho loại nông sản đặc biệt này.
Năm 2015, Trang cùng với hai cộng sự khác bắt đầu tìm hiểu các vườn ca cao ở khắp các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk, cũng như Lâm Đồng, Đồng Nai. Qua đó, tại huyện Krông Ana, Trang đã tìm được những vườn ca cao đạt tiêu chuẩn để lên men, cho ra sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, khó khăn lại bắt đầu khi lần lượt những cộng sự rút khỏi dự án. Mọi vấn đề từ thủ tục pháp lý thành lập công ty, vốn đầu tư, cho đến các mối liên hệ làm ăn… đều là một khoảng trống bỏ ngỏ trước mắt. Không nản lòng, một mình Trang vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Đầu năm 2017, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nutri Soil được thành lập. Trong thời gian này, Trang tìm được một cộng sự nhiệt tình, cùng góp vốn và chung tay giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Đồng thời, Trang cũng được biết đến Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" và tiếp cận với chuỗi các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột triển khai. Từ đây, Trang đã được các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp, quảng bá sản phẩm, tiếp cận, kết nối thị trường...
Trang chia sẻ.“Đúng vào lúc khó khăn, tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp Hội Phụ nữ, đặc biệt là Câu lạc bộ Nữ doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Nutri Soil đến với mọi người trong và ngoài tỉnh. Và rồi, mọi khó khăn cũng qua, những nỗ lực cũng đã được đền đáp. Từ tháng 12-2017, các mặt hàng của Công ty với thương hiệu Nutri Soil hầu như đã phủ khắp đến 80% các cửa hàng, siêu thị tư nhân trên thị trường Buôn Ma Thuột”.
Từ những thành công bước đầu ấy, Trang có thêm niềm tin, cơ sở và động lực để tiếp tục triển khai các dự định của mình. Chỉ tính riêng năm 2018, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nutri Soil đã xuất bán khoảng 20 tấn sản phẩm từ ca cao, hơn 10 tấn thành phẩm mắc ca và gần 5 tấn thành phẩm sachi… cho thị trường trong, ngoài tỉnh như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh và xuất cả sang Trung Quốc.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, Trang cho biết sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, công nghệ, bao bì để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, mẫu mã. Sắp tới Công ty sẽ cho ra mắt sản phẩm ca cao hòa tan và ca cao lon giấy nhỏ cao cấp để giới thiệu cho các thị trường tiềm năng.
Khả Lê - Lan Anh
Ý kiến bạn đọc