Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả

09:27, 25/09/2019

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đã tìm thấy cơ hội “đổi đời”.

Trở thành triệu phú nhờ trồng xoài

Năm 2008, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài chuyển từ Bình Phước đến sinh sống tại buôn N’Drếch B, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn). Bao nhiêu vốn liếng dành dụm được vợ chồng chị dồn mua 1 ha đất trồng điều và hoa màu. Trong suốt 5 năm, mặc dù chuyển từ ngô sang đậu, mì nhưng giá cả bấp bênh, năng suất thấp, thu nhập không bù nổi chi phí đầu tư.

Chị Nguyễn Thị Hoài (buôn N’Drếch B, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch xoài.
Chị Nguyễn Thị Hoài (buôn N’Drếch B, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch xoài.

Qua tìm hiểu, chị Hoài nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng có thể thích hợp trồng cây ăn trái nên quyết định mua 90 cây xoài Đài Loan về trồng trên diện tích 4,5 sào. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn xoài nhà chị phát triển xanh tốt. Đặc biệt, gia đình chị không sử dụng phân hóa học mà chủ yếu bón vi sinh hữu cơ, phân bò ủ hoai mục và chỉ bổ sung NPK để đáp ứng nhu cầu sinh trưởng qua từng giai đoạn cần thiết của cây.

Sau một năm trồng, cây xoài bắt đầu cho trái. Để tăng hiệu quả kinh tế, chị Hoài học hỏi kinh nghiệm của một số nhà vườn và mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý điều tiết cho xoài ra hoa trái vụ. Chị Hoài cho hay, giống xoài này vụ chính ra hoa tự nhiên từ tháng chạp đến tháng giêng và thu hoạch từ tháng 4 đến đầu tháng 5 âm lịch. Mùa trái vụ ra hoa vào tháng 8 đến tháng 9 âm lịch, cho thu hoạch từ cuối tháng chạp đến tháng 2 âm lịch.

 

“Nhờ mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dám thử sức với loại cây trồng mới mà giờ đây gia đình tôi bắt đầu hái “quả ngọt”. Không chỉ cây ổi cho thu nhập mà năm sau nhãn bắt đầu được thu bói, gia đình tôi sẽ trả hết nợ vay đầu tư và có của ăn của để”.

 
 
Ông Phương Kim Hải, thôn 10,  xã Ea Pil, huyện M’Đrắk

Nhờ tuân thủ đúng quy trình, chị Hoài đã xử lý cho vườn xoài ra hoa trái vụ và thu hái được 2 vụ/năm. Trung bình mỗi cây xoài chị thu được 30 - 60 quả; mỗi quả nặng bình quân 1 - 1,5 kg, mùa chính vụ bán với giá trung bình 20.000 đồng/kg, trái vụ vào dịp Tết giá cao gấp đôi. Trung bình mỗi năm, gia đình chị Hoài thu hoạch được 10 tấn xoài, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng, cao gấp 3 đến 4 lần các cây trồng trước đây.

Thu nhập trăm triệu đồng từ trồng ổi trên đất cằn

Cũng như bao hộ khác trong vùng, gia đình ông Phương Kim Hải ở thôn 10, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk chọn sắn, mía là cây trồng chủ lực trên diện tích 1,5 ha của gia đình. Trong suốt 20 năm gắn bó với các loại cây trồng này, thu nhập cũng chỉ đủ cho gia đình ông trang trải sinh hoạt hằng ngày. Đang “đau đầu” với bài toán trồng cây gì để có thể tăng thu nhập, ông Hải được chính quyền địa phương tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi... Năm 2016, ông mạnh dạn phá bỏ toàn bộ diện tích trồng mía, cải tạo lại đất, đầu tư trồng 700 cây nhãn Hương Chi. Số diện tích còn lại ông trồng 600 cây ổi lê Đài Loan.

Trồng ổi trên vùng đất bạc màu đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Phương Kim Hải ở thôn 10, xã Ea Pil.
Trồng ổi trên vùng đất bạc màu đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Phương Kim Hải ở thôn 10, xã Ea Pil.

Ông Hải cho biết, cây ổi lê Đài Loan dễ tính, có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm. Thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, thu hoạch quanh năm. Thân cây cứng, khỏe mạnh, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Quả có hình trái lê, vỏ láng, giòn, ít hạt, có mùi thơm và giàu dinh dưỡng. Khi quả to bằng ngón tay cái thì phải dùng túi bọc chuyên dụng để bọc quả. Việc này sẽ giúp quả tránh được côn trùng gây hại, không cần phải phun thuốc nên bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo ông Hải, giống ổi này không cần nhiều phân bón và rất ít sâu bệnh nên không tốn nhiều chi phí đầu tư. Sau mỗi đợt thu hoạch, phải cắt cành để cây tiếp tục ra chồi, đơm hoa và kết quả.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, sản phẩm ổi của gia đình ông được thương lái đến thu mua tận vườn với giá trung bình từ 12.000-15.000 đồng/kg. Vào thời điểm chính vụ, trung bình mỗi ngày gia đình ông bán được từ 100 - 200 kg, thu về trên 200 triệu đồng/năm.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.