Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Súp thất thu vụ lúa hè thu

10:15, 24/09/2019

Nông dân trên địa bàn huyện Ea Súp đang bước vào thu hoạch rộ lúa vụ hè thu năm 2019. Tuy nhiên, do trời mưa nhiều trong những ngày qua khiến tiến độ thu hoạch chậm dù nhiều ruộng lúa đã chín vàng. Năng suất giảm, lúa rớt giá liên tục làm người dân lo lắng.

Vụ hè thu năm nay, huyện Ea Súp gieo trồng 5.397 ha lúa trên chân ruộng hai vụ và 6.962 ha lúa một vụ; chủ yếu là các giống lúa chủ lực, cho năng suất cao như TBR225, IR50404, OM 4900, OM 6976, Đài Thơm 8, ST 24...

Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cùng các cơ quan chức năng đã tích cực hướng dẫn các địa phương tăng cường áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, thực hiện phòng trừ sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến thất thường, nắng gió kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Đặc biệt, trong quá trình làm đòng, do ảnh hưởng mưa bão dẫn đến nhiều diện tích lúa thuộc các xã Ea Lê, Ea Bung, Cư Mlan… bị đổ ngã nặng, năng suất trung bình chỉ đạt từ 4 - 4,5 tấn/ha. Có nhiều diện tích bị đổ ngã do giông lốc và mưa lớn, năng suất chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha.

Gia đình bà Trần Thị Nga (xã Ea Lê) tranh thủ phơi lúa sau khi thu hoạch.
Gia đình bà Trần Thị Nga (xã Ea Lê) tranh thủ phơi lúa sau khi thu hoạch.

Năng suất đã thấp, giá lúa lại biến động, bấp bênh khiến nhiều người dân hết sức lo lắng. Khảo sát tại một số khu vực cân lúa tại các xã Ea Lê, Ea Bung hay thị trấn Ea Súp, giá bán lúa tươi chỉ dao động từ 4.100 - 4.400 đồng/kg và lúa khô khoảng 5.300 - 5.500 đồng/kg, thấp hơn so với vụ trước khoảng 500 - 700 đồng/kg. Có một nghịch lý đang diễn ra là người dân sau khi gặt đều phải bán lúa tươi cho thương lái dù biết nếu phơi khô thì sẽ có giá cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do trời mưa gió liên tục khiến việc phơi lúa rất khó khăn, thời gian phơi kéo dài (kéo dài từ 3 - 4 ngày), giá công phơi cũng từ đó mà tăng theo khiến người dân buộc phải chọn bán luôn cho thương lái để có tiền trang trải chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công gặt…

Là một trong những hộ trồng lúa có diện tích lớn tại thị trấn Ea Súp, năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Quyên gieo trồng hơn 5 ha lúa giống TBR225. Mặc dù gia đình chị đã bỏ rất nhiều công chăm sóc, bón phân, phun thuốc hợp lý nhưng đến giai đoạn lúa làm đòng thì gặp mưa lớn liên tục khiến tỷ lệ đậu hạt kém. Đến khi lúa chín vàng chuẩn bị cho thu hoạch thì lại có nhiều đợt mưa giông kèm lốc làm 1/3 diện tích lúa của gia đình chị Quyên ngã đổ dưới ruộng khiến năng suất lúa giảm, hạt lúa ngả màu đen.

Chị Quyên buồn bã cho hay: “Mỗi năm chỉ làm 2 vụ lúa nên chúng tôi kỳ vọng từng mùa. Không ngờ giá lúa hè thu năm nay thấp quá nên nông dân không còn lãi. Chưa kể năng suất vụ này cũng thấp hơn năm ngoái. Năm nay, lúa của nhà tôi chỉ đạt 4,5 tấn/ha, giảm gần 1 tấn/ha so với năm trước. Thương lái tới xem lúa gặt rồi chỉ trả 4.200 đồng/kg. Biết là thấp nhưng chúng tôi cũng phải bán chứ biết làm sao giờ?”.

Người dân huyện Ea Súp phơi lúa vụ hè thu sau khi thu hoạch.
Người dân huyện Ea Súp phơi lúa vụ hè thu sau khi thu hoạch.

Tương tự, gia đình bà Trần Thị Nga (xã Ea Lê) cũng vừa thu hoạch 3 ha lúa giống IR504. Thời tiết nắng nóng kéo dài và sâu bệnh gây hại khiến năng suất lúa không cao, chỉ đạt gần 4 tấn/ha, thấp hơn khoảng 1 tấn so với cùng vụ năm ngoái, giá bán còn giảm gần 1.000 đồng/kg nên theo tính toán của bà Nga, vụ lúa hè thu này gia đình không có lợi nhuận.

Theo dự đoán, giá lúa vẫn đang biến động và có khả năng tiếp tục xuống thấp khi thu hoạch rộ, người nông dân chỉ còn cách cố gắng gặt lúa sớm cân cho thương lái để có tiền trang trải nợ nần phân bón, lúa giống cho đại lý và có vốn gối đầu vụ tiếp theo.

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.