Multimedia Đọc Báo in

Nữ trưởng thôn năng động, làm kinh tế giỏi

09:28, 25/09/2019

Chị Lương Thị Oanh ở xã Ea Wy (huyện Ea H'leo) được biết đến là một Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 6 nhiệt tình, tích cực tham gia các phong trào hoạt động tại địa phương và đặc biệt là sự năng động trong làm kinh tế.

Năm 1990, chị Oanh cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng vào lập nghiệp tại xã Ea Wy. Một năm sau, chị lấy chồng và thuê nhà ra ở riêng; tài sản của vợ chồng chị chỉ có hai bàn tay trắng.

Để có tiền trang trải cuộc sống, hằng ngày vợ chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn và mượn được 1 ha đất của người quen trồng hoa màu. Nhờ cần cù, tiết kiệm, sau 2 năm vợ chồng chị Oanh mua được mảnh đất làm nhà tại thôn 6, xã Ea Wy và 1 ha đất rẫy trồng cà phê. Lúc đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây cà phê nên năng suất vườn cây đạt thấp. Vợ chồng chị tích cực tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật ở địa phương, học hỏi từ các mô hình cho năng suất, hiệu quả cao về áp dụng trong vườn cây nhà mình. Năng suất tăng lên, thu nhập của gia đình chị ngày càng được cải thiện. Cứ mỗi năm, tích cóp được đồng nào vợ chồng chị lại tiếp tục mua thêm đất mở rộng diện tích canh tác để trồng cà phê, hồ tiêu, cao su theo hình thức đa cây.

Chị Oanh trong vườn cà phê của gia đình.
Chị Oanh trong vườn cà phê của gia đình.

Năm 2013, do bị ảnh hưởng bão lụt, vườn cây của gia đình chị Oanh bị thiệt hại nặng nề. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ cho vay 12 triệu đồng nguồn quỹ Hội, chị đã đầu tư chăm sóc khôi phục lại rẫy cà phê, hồ tiêu của mình.

Không chỉ làm nương rẫy, nhận thấy trên địa bàn xã Ea Wy chưa có dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua nông sản, vốn là người năng động, nhạy bén, chị Oanh bàn với chồng mở đại lý thu mua nông sản và bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân tại chỗ. Với quan điểm kinh doanh đúng pháp luật, không gian lận giá cả, không bán hàng kém chất lượng nên đại lý của gia đình chị được nhiều người dân tín nhiệm đến ký gửi, bán nông sản; mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay với 10 ha đất rẫy, trong đó có 2 ha cà phê, 2 ha tiêu, 6 ha cao su và đại lý kinh doanh phân bón, thu mua nông sản, mỗi năm gia đình chị Oanh có thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Năm 2016, nhận thấy giá sản phẩm cà phê, hồ tiêu trên thị trường luôn bấp bênh trong khi chất lượng nông sản của người dân địa phương rất bảo đảm, chị Oanh bàn với một số hộ trồng cà phê ở xã Ea Wy tìm hướng giải quyết vấn đề. Được cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ động viên, tạo điều kiện, chị đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Ea Wy gồm 16 thành viên, chị Oanh đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX. Mục tiêu của HTX là trồng, chăm sóc cà phê đạt chất lượng VietGAP, chế biến bột cà phê thành phẩm với hương vị riêng có mang thương hiệu Ea Wy. Được hỗ trợ 120 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất, xây dựng nông thôn mới, HTX đã đầu tư mua trang thiết bị chế biến cà phê hiện đại. Các thành viên HTX tìm cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các buổi hội thảo, hội chợ thương mại, lễ hội... Hiện nay mỗi năm HTX tiêu thụ từ 4 – 5 tấn cà phê thành phẩm với doanh thu đạt khoảng 1,7 tỷ đồng.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, chị Oanh còn hỗ trợ, giúp đỡ bà con địa phương phát triển kinh tế theo hình thức cho vay phân bón chăm sóc cây trồng đến cuối vụ trả, vay vốn làm ăn phát triển kinh tế. Nhờ đó đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, như gia đình anh Hoàng Văn Lại (thôn 5) được chị Oanh cho vay 30 triệu đồng không tính lãi, vay phân bón trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu nên đã vươn lên thoát nghèo; gia đình chị Nông Thị Huệ (thôn 6) được chị Oanh cho vay hơn 20 triệu đồng để đầu tư sản xuất và đã thoát nghèo bền vững. Theo thống kê, chị Oanh đã cho hơn 100 hộ dân trên địa bàn xã vay tiền, mượn phân  bón trả chậm để làm ăn, chăm sóc cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trường Ngữ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.