Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ mô hình trồng dưa lưới
Cách đây 5 năm, anh Tạ Văn Rin tại tổ dân phố 7, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) quyết định chuyển nghề sang làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mô hình sản xuất dưa lưới giống TL3 trồng trên đất trong nhà màng (không trồng trực tiếp trong giá thể) của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, với diện tích trên 0,16 ha trồng dưa lưới, mỗi năm trồng 4 vụ, anh Rin thu hoạch hơn 19,2 tấn dưa/năm. Với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư (chiếm 50% tổng doanh thu), lãi thuần hơn 280 triệu đồng/năm. Theo anh Rin, để thực hiện được mô hình hiệu quả này, điều quan trọng nhất là thiết kế nhà màng và quy trình sản xuất dưa lưới trong nhà màng phải đạt được yêu cầu đặt ra. Nhà màng anh Rin xây dựng thấp hơn các loại nhà kính từ 0,5 - 0,7cm, vừa tiết kiệm kinh phí đầu tư vừa hạn chế tác động của gió có thể làm hư hỏng các vật tư liên quan.
Anh Rin chia sẻ, nếu diện tích rộng nên xây dựng tổ hợp nhà màng với diện tích mỗi ô nhà màng tối đa không quá 1.000 m2, khoảng cách giữa các ô nhà màng ít nhất phải 2 m để thoáng khí xung quanh và cách ly nếu rủi ro phát sinh dịch bệnh. Các ô nhà màng trong khu tổ hợp sản xuất dưa lưới xuống giống gối vụ nhau để có sản phẩm dưa lưới thu hoạch thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Thay vì đầu tư các hệ thống làm mát bằng phun sương, quạt đối lưu hay lưới cắt nắng… như các nhà kính công nghệ cao khác thì trong nhà màng sản xuất dưa lưới của anh Rin chỉ thiết kế bộ cảm biến với mục đích kiểm soát độ ẩm không khí, nhiệt độ, độ ẩm đất và cường độ ánh sáng, cảnh báo các chỉ số về yếu tố tự nhiên qua “app” (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để tác động chế độ tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng kịp thời theo nhu cầu sinh học của cây. Đây là điều kiện rất cần thiết để cây sinh trưởng phát triển tốt, kháng sâu bệnh cho năng suất chất lượng tối ưu.
Cán bộ khuyến nông và người dân tham quan mô hình dưa lưới của anh Rin. |
Đối với quy trình sản xuất dưa lưới, theo anh Rin, yếu tố đầu tiên là phải chọn được giống dưa lưới phù hợp điều kiện tự nhiên nơi sản xuất. Dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Đắk Lắk và nhu cầu của thị trường, anh Rin đã lựa chọn một số giống dưa như TL3, Queen, AB, Ichibas để trồng. Các loại dưa lưới này có chất lượng thịt quả chắc, giòn, ngọt; thời gian bảo quản lâu; giá cả hợp lý người tiêu dùng chấp nhận được. Yếu tố tiếp theo là phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của cây, vì thế, ngoài lượng dinh dưỡng được cung cấp cho cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt, anh Rin còn bổ sung phân sinh học hữu cơ trực tiếp qua hệ thống rễ để cây hấp thu tổng hợp, cho ra sản phẩm dưa đạt chất lượng. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc, cần theo dõi, kịp thời xử lý các hiện tượng gây hại có thể phát sinh do điều kiện bất lợi của môi trường gây nên.
Anh Rin giới thiệu bộ cảm biến đo độ ẩm đất, không khí, nhiệt độ đất, cường độ ánh sáng trong nhà màng trồng dưa lưới. |
Với nhu cầu lớn của người tiêu dùng, sản phẩm dưa lưới của gia đình anh Rin luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Anh dự định sẽ liên kết với các hộ có nhu cầu sản xuất dưa lưới, chuyển giao quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc