Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chương trình OCOP: Phát huy những lợi thế sẵn có

09:17, 16/09/2019

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP), được tỉnh Đắk Lắk đặt nhiều kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới góp phần đổi thay đời sống nhân dân, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho nhân dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đắk Lắk đã tiến hành khảo sát và chọn được 27 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm để thực hiện Chương trình OCOP.

Trong đó, nhóm thực phẩm có: hạt hồ tiêu, ca cao, quả bơ, sầu riêng, xoài, rau quả, sản phẩm từ ong, heo, cá tầm, cá lăng đuôi đỏ, chả cá thát lát. Nhóm đồ uống gồm: cà phê và sản phẩm của cà phê, trà thảo mộc Xuân Sang, trà mãng cầu, mắc ca, chanh dây. Nhóm thảo mộc có: thuốc Ama Kông, nghệ, tinh dầu hương nhu, tinh dầu sả. Nhóm vải và may mặc có vải thổ cẩm.

Nhóm trang trí - nội thất - lưu niệm có mây tre đan. Nhóm du lịch nông thôn có: Khu du lịch sinh thái Troh Bư, Cụm du lịch thác Thủy Tiên, Chuỗi du lịch nông nghiệp văn hóa nông thôn Ea Kar, Du lịch cộng đồng 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở Ea Kar, Du lịch sinh thái ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.

Mô hình trồng sả lấy tinh dầu ở Hợp tác xã Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào.
Mô hình trồng sả lấy tinh dầu ở Hợp tác xã Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào.

Một trong những sản phẩm tiêu biểu được đưa vào Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020 là các dòng sản phẩm ca cao, sô-cô-la của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana).

Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc công ty chia sẻ, ở Đắk Lắk có rất nhiều sản phẩm nổi trội về chất lượng đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Tuy nhiên, do chưa chú trọng về việc xây dựng hình ảnh đối với từng sản phẩm nên việc quảng bá, thương mại sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Do đó Chương trình OCOP sẽ là động lực, là cú hích để giúp các cơ sở cũng như hộ dân kinh doanh cá thể có thông tin và có định hướng đúng đắn để xây dựng được những sản phẩm đáp ứng yêu cầu, từ đó họ ngày một phát triển và liên kết lại tạo thành một nhóm phát triển chung về sản phẩm đó.

Thực tế tại Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn, dù các sản phẩm làm từ ca cao của công ty khá đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, nhưng khó khăn hiện nay vẫn là các hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp, địa phương còn hạn chế. Vì vậy, việc tham gia vào chương trình OCOP được xem là một thuận lợi cho sản phẩm ca cao của công ty. Hiện Công ty đang tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các tiêu chí của chương trình.

Tương tự, các sản phẩm tinh dầu cũng được lựa chọn đưa vào Chương trình OCOP của tỉnh, trong đó có sản phẩm tinh dầu sả của Hợp tác xã Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào (xã Ea Tir, huyện Ea H’leo). Đây được xem là cơ hội để hợp tác xã tiếp cận với công nghệ, thiết bị tiên tiến ứng dụng vào sản xuất, giúp sản phẩm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế và có điều kiện đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn hơn.

Ông Nông Văn Mậu, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, năm 2018 Hợp tác xã sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào thành lập với 30 thành viên chính thức và hàng chục thành viên liên kết, tổng diện tích sản xuất là 200 ha. Ngoài việc đầu tư xây dựng các lò chế biến tinh dầu sả, đơn vị cũng liên kết trồng sả và chế biến tinh dầu tại các xã Cư Kbang, Ia J’lơi và Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp). Đặc biệt, sản phẩm tinh dầu sả java Ea Tir đang được xây dựng bảo hộ nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Tinh dầu sả java Ea Tir”. Việc tạo lập thương hiệu, nhãn hiệu sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm tinh dầu sả và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm khi gia nhập vào danh mục sản phẩm của Chương trình OCOP, qua đó tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Công đoạn chế biến hạt ca cao ở Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn.
Công đoạn chế biến hạt ca cao ở Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, Đề án OCOP Đắk Lắk giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 tập trung vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời, đưa việc xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nhà nước sẽ hỗ trợ những phần mà người dân còn yếu, như vốn đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn, bao bì, mẫu mã, thương hiệu; quảng bá, thương mại sản phẩm... Hiện Sở NN-PTNT cũng đã có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điều kiện, đặc điểm cụ thể để triển khai kế hoạch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của địa phương và phát triển du lịch, dịch vụ ở nông thôn.

Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ, du lịch nông thôn hiện có của các địa phương và tiêu chuẩn hóa; công nhận/chứng nhận 1 - 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 10 - 12 sản phẩm 3 - 4 sao cấp tỉnh; phấn đấu xây dựng 1 - 2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Tỉnh đang triển khai các chương trình tập huấn, hỗ trợ các địa phương để hoàn thành mục tiêu này.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.