Multimedia Đọc Báo in

Biến rác thải công nghiệp thành... hàng hóa

09:46, 29/10/2019

Cây lau nhà bằng vải màn là sản phẩm khá quen thuộc, có thể bắt gặp tại hầu hết các gian hàng tạp hóa, cửa hàng gia dụng ở trong và ngoài tỉnh trong mấy năm gần đây.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sản phẩm này được phát triển từ ý tưởng tận dụng phế phẩm, rác thải công nghiệp của một hội viên phụ nữ tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột.

Khởi nghiệp từ... vải vụn

Hơn 10 năm trước, khi mới vào sinh sống tại tổ dân phố (TDP) 7, phường Tân An, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Nhung đã mày mò làm ghế bọc nệm để bán lại cho các cửa hàng nội thất. Công việc nặng nhọc, lời lãi không nhiều nhưng anh chị vẫn cố gắng bám trụ để mưu sinh. Trong quá trình tìm kiếm nguồn nguyên liệu và chào bán ghế bọc nệm, chị Nhung được biết các nhà máy may mặc thải bỏ rất nhiều vải vụn, vải biên dưới dạng rác thải công nghiệp. Chị nảy ra ý tưởng mua lại nguồn vải này để tái chế thành các sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung hoàn thiện sản phẩm cây lau nhà tại cơ sở sản xuất của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung hoàn thiện sản phẩm cây lau nhà tại cơ sở sản xuất của gia đình.

Tuy nhiên, ngay từ việc tiếp cận các công ty để đề nghị mua lại phế phẩm may mặc, chị đã gặp không ít khó khăn. Ban đầu, lãnh đạo các đơn vị ấy không muốn bán vì ngại quy trình phức tạp, ngại vợ chồng chị vốn chỉ sản xuất nhỏ lẻ, thô sơ. Bằng sự mạnh dạn, kiên trì, anh chị đã dần thuyết phục các nhà máy bán lại những phế phẩm để tránh lãng phí và giảm lượng rác thải phát sinh.

Khi đã có được nguồn nguyên liệu, anh chị bắt đầu phân loại vải vụn, vải biên thành nhiều loại. Vải màn trắng, xốp được băm vụn để bán cho các cơ sở nhồi nệm, bông ép. Vải thun vụn thì xay nhỏ bán cho các cơ sở làm nấm độn vào giá thể giúp tăng độ ẩm. Vải thun sợi làm thành dây buộc cho cây tiêu. Riêng vải màn sợi loại thấm nước tốt và nhanh ráo nước, anh chị tách riêng để làm cây lau nhà.

Chị Nhung nhớ lại, năm 2014, vợ chồng chị bắt đầu sản xuất cây lau nhà bằng vải màn rồi đem đi giới thiệu với người tiêu dùng khắp nơi trong tỉnh. Lúc ấy, thị trường hàng tiêu dùng đã có nhiều loại cây lau nhà, dụng cụ lau nhà tự vắt với giá thành không hề rẻ. Trong khi đó, cây lau nhà do vợ chồng chị sản xuất chỉ đơn giản với đầu lau bằng sợi vải màn, giá rất bình dân nên nhiều người vẫn nghi ngại về hiệu quả của sản phẩm. Anh chị phải chở từng chuyến hàng bằng xe máy đến chào hàng ở các cửa hàng đồ gia dụng, bán lẻ trực tiếp từng cây một và tặng các bệnh viện hàng trăm cây lau nhà để quảng bá sản phẩm. Sau khi đã tiếp cận hầu hết các cửa hàng gia dụng trong tỉnh, anh chị thuê xe tải, chở những chuyến hàng lớn hơn sang các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum… tiếp tục kiên trì bán lẻ để nhiều người biết đến sản phẩm của mình hơn.

Mô hình tạo việc làm hiệu quả cho hội viên phụ nữ

Mất gần 1 năm phát triển thị trường cho cây lau nhà bằng vải màn, vợ chồng chị Nhung đã xây dựng được mạng lưới bán hàng rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam. Chỉ cần khách đặt hàng qua điện thoại, anh chị sẽ cung ứng đủ số lượng và giao đến tận nơi. Nhờ nguyên liệu giá rẻ, chi phí đầu vào thấp nên mỗi cây lau nhà do vợ chồng chị Nhung sản xuất có giá bán rất cạnh tranh, chỉ từ 30.000 – 100.000 đồng/cây. Sản phẩm này cũng dần được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn nhờ độ bền cao, tiện dụng, hiệu quả. Mỗi tháng, vợ chồng chị Nhung nhập đến 10 tấn vải nguyên liệu mới đủ sản xuất cây lau nhà cho khách sỉ. Vì thế, sang đầu năm 2015, anh chị bắt đầu hướng dẫn cho các gia đình khác tại TDP 7 gia công đầu cây lau nhà và trả công theo sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy quay sợi vải màn làm đầu cây lau nhà.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy quay sợi vải màn làm đầu cây lau nhà.
 
"Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Nhung trước đây từng là hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Nhờ dám nghĩ, dám làm, vợ chồng chị Nhung không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình mình mà còn giúp nhiều gia đình hội viên khác có công việc ổn định với nguồn thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung tại tổ dân phố 7".
 
Chị Lê Thị Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ TDP 7, phường Tân An

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (TDP 7, phường Tân An) đã nhận việc gia công cây lau nhà cho chị Nhung 3 năm qua. Công việc của bà khá đơn giản với các bước: quay sợi vải màn, buộc thành từng bó rồi cố định vào khung sắt để tạo thành đầu cây lau nhà. Bà Thúy chia sẻ, nhờ được nhận việc về nhà làm nên bà hoàn toàn chủ động về thời gian, phù hợp với sức khỏe. Mỗi ngày, bà cùng chồng làm được khoảng 120 – 150 đầu cây au nhà, thu nhập hơn 300.000 đồng/ngày. Ngoài gia đình bà Thúy, cơ sở sản xuất của chị Nhung cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động khác với thu nhập từ 4 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Cuối tháng 8-2019, nhờ sự động viên của Chi hội Phụ nữ TDP 7, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất cây lau nhà với 6 thành viên. Chị Nhung chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Tổ hợp tác, cung cấp nguyên liệu, thu mua toàn bộ sản phẩm do các thành viên làm ra và tiếp tục phát triển thị trường để mở rộng quy mô sản xuất trong tương lai. Mô hình này đã góp phần đa dạng hóa kênh hỗ trợ việc làm cho hội viên phụ nữ tại địa phương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.