Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng là chỗ dựa để phát triển du lịch

08:39, 13/10/2019

Vốn văn hóa, lịch sử của mỗi cộng đồng dân tộc là tài nguyên quý giá để các doanh nghiệp làm du lịch tổ chức, khai thác nhằm phục vụ du khách. Vì thế mối quan hệ đặc biệt ấy phải được hai bên quan tâm, gìn giữ để xây dựng và phát triển ngành kinh tế quan trọng này theo hướng hài hòa, bền vững hơn.

Đôi bên đều có lợi

Từ nhận thức trên, thời gian gần đây đã có nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh hướng tới việc gắn kết và chia sẻ với các cộng đồng dân tộc nhiều hơn. Ở vùng trọng điểm du lịch huyện Lắk có Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Du lịch Đường mòn Cao Nguyên… nhanh chóng nắm bắt xu hướng tất yếu này để hoạch định và thực hiện đường hướng phát triển du lịch cộng đồng ngày càng sinh động và rõ nét. 

Người dân buôn Jun, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) chuẩn bị chèo thuyền độc mộc phục vụ du khách.  Ảnh: L.Anh
Người dân buôn Jun, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) chuẩn bị chèo thuyền độc mộc phục vụ du khách. Ảnh: L.Anh

Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk cho biết, đơn vị kinh doanh du lịch Hồ Lắk đã khảo sát, đánh giá và ký cam kết hợp đồng với những gia đình sở hữu đàn voi nhà, thuyền độc mộc, nhà dài, cồng chiêng và những giá trị văn hóa truyền thống khác để tạo nên một số sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Những gì mà cộng đồng người M’nông ở đây hợp tác, cung cấp cho công ty đều được chia tỷ lệ phần trăm lợi nhuận theo thỏa thuận. Việc làm này đem lại lợi ích cho cả đôi bên - doanh nghiệp thì có điều kiện mở rộng, hoàn thiện thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, người dân có thêm thu nhập nâng cao đời sống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng.

 

“Những kỳ vọng của người dân sống trong các vùng du lịch là chính đáng và đáng để cho các đơn vị làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk lưu tâm. Để đáp lại sự kỳ vọng ấy, các doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm ngành kinh tế quan trọng này trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hơn với cộng đồng”.

 
 
Ông Y Sy Thắk Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn

Tương tự, tại Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, ông Trần Thành Tâm, phụ trách hoạt động kinh doanh ở đây nhìn nhận: Nhờ hướng đến cộng đồng mà giữ được bến nước, dòng sông, ngọn thác… cũng như đàn voi nhà, cồng chiêng, nhà dài, các làn điệu dân ca, dân vũ của người M’nông, Êđê, J’rai cũng như “gia tài” săn bắt, thuần dưỡng voi nức tiếng của người Lào nên mới hấp dẫn và giữ chân được du khách tìm đến thưởng thức, trải nghiệm.

Theo đó, nhờ nguồn lợi từ hoạt động du lịch mà chủ nhân vốn văn hóa trên đã từng bước thay đổi nhận thức theo hướng tích cực hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản của dân tộc mình. Thay vì trước đây bà con người dân tộc thiểu số trong vùng luôn tìm mọi cách để đảm bảo điều kiện sống cho gia đình và cộng đồng ở mức cho phép, khiến họ không ngần ngại bán voi, chiêng ché, nhà dài để tồn tại, thì nay họ bắt tay với các đơn vị kinh doanh “ngành công nghiệp không khói” trên địa bàn nhằm cung cấp các dịch vụ, sản phẩm du lịch cho du khách để vừa bảo đảm đời sống kinh tế, vừa gìn giữ vốn văn hóa của tổ tiên, ông bà trao truyền lại.

Vai trò doanh nghiệp

Rõ ràng hướng đi trên không những giúp doanh nghiệp làm du lịch chứng tỏ sự chủ động, trách nhiệm hơn trong chiến lược kinh doanh của mình, mà còn tạo ra sinh kế bền vững và hết sức có ý nghĩa cho mỗi cộng đồng tham gia. 

Chủ quán cà phê Arul, buôn Akô Dhông  (TP. Buôn Ma Thuột)  giới thiệu với du khách về nét  độc đáo của văn hóa Êđê.  Ảnh: H. Gia
Chủ quán cà phê Arul, buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu với du khách về nét độc đáo của văn hóa Êđê. Ảnh: H. Gia

Nhiều lao động người dân tộc thiểu số ở Buôn Đôn cho biết: Nhờ tham gia hoạt động du lịch cùng Công ty Du lịch Thanh Hà trên địa bàn mà đời sống bây giờ đỡ vất vả hơn. Với mức lương được công ty chi trả bình quân 2,8 - 3,2 triệu đồng/tháng, cộng thêm thu nhập từ các dịch vụ khác (trên dưới 2 triệu đồng nữa), cuộc sống của họ thật sự ổn định và khấm khá lên từng ngày. Tất cả đều mong sao các doanh nghiệp ở đây mở ra ngày càng nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng có chiều sâu và chất lượng hơn để những gia đình nghèo người dân tộc thiểu số tại chỗ có cơ hội tham gia nhằm cải thiện đời sống.

Du khách tìm hiểu về văn hóa đồng bào Êđê tại buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột).
Du khách tìm hiểu về văn hóa đồng bào Êđê tại buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột).

Tâm sự ấy được ông Nguyễn Trụ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty  Du lịch Thanh Hà chia sẻ: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ quy hoạch, tổ chức thêm một số sản phẩm du lịch mang tính cộng đồng sâu đậm hơn để mang lại sinh kế, lợi ích cho nhiều người, nhất là những gia đình không có tài sản đáng kể để liên kết kinh doanh du lịch trên địa bàn. Hết thảy cộng đồng dân tộc sinh sống tại các vùng du lịch phải được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này. Việc hướng đến những đối tượng nghèo để tạo công ăn, việc làm cho họ cũng là mục tiêu đặt ra cho các đơn vị khai thác và kinh doanh du lịch trên địa bàn Buôn Đôn nói riêng và Đắk Lắk nói chung. Làm được điều đó đồng nghĩa với việc góp phần tạo ra an sinh xã hội tích cực cho địa phương cũng như sự phát triển bền vững cho từng khu, điểm du lịch hiện nay.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.