Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo nông thôn mới ở vùng đất lúa

11:07, 29/10/2019
Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo xã Buôn Tría (huyện Lắk) đã có bước tiến dài. Vùng đất lúa đã và đang trở thành một vùng quê đáng sống.

Chú trọng nâng cao thu nhập

Vốn là một xã nghèo của một huyện nghèo, nên khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, chính quyền xã Buôn Tría xác định phải tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân thì việc phát huy nội lực mới có hiệu quả. Theo UBND xã Buôn Triết, hiện xã có 929 ha lúa nước, để hạn chế những bấp bênh, rủi ro từ sản xuất lúa theo cách truyền thống, chính quyền xã đã khuyến khích người dân phát triển sản xuất theo mô hình đa cây, đa con và sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Từ “bà đỡ” là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất, nhiều hộ dân đã có thu nhập cao từ việc liên kết sản xuất lúa sạch. Chẳng hạn như hộ ông Vũ Công Nghĩa (thôn Liên Kết 3), với 3 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/vụ, cao gấp đôi so với sản xuất lúa theo cách truyền thống mà lại bảo vệ được sức khỏe và môi trường sinh thái.

Người dân ở xã Buôn Tría hiến đất để bê tông hóa đường nội đồng.
Người dân ở xã Buôn Tría hiến đất để bê tông hóa đường nội đồng.

Ông Nguyễn Văn Tùng (thôn Đông Giang 2) chia sẻ, đất đai ở đây màu mỡ nên năng suất lúa đạt cao, trung bình từ 7 - 8 tấn/ha. Thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình mở rộng dần diện tích sản xuất, nhờ đó thu nhập được cải thiện đáng kể. Hiện gia đình ông đã có hơn 4 ha lúa, cùng với một trang trại nuôi vịt lấy trứng (quy mô 6.000 con) đã mang lại cho gia đình nguồn lợi kinh tế khá.

Tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Long (thôn Đông Giang 1), ngoài sản xuất lúa nước, anh còn tìm hiểu kỹ thuật trồng cà phê, tiêu và các loại cây ăn trái (sầu riêng, bơ, na…) để phát triển thêm cây lâu năm. Với sức trẻ và sự năng động, nhạy bén, hiện anh đã có trong tay 1,5 ha cà phê, tiêu trồng xen cây ăn trái; làm nhà lưới để trồng rau sạch. Đồng thời, mỗi năm, anh còn đi thuê đất từ 3,5 - 5 ha để trồng khoai lang, tăng thêm nguồn thu nhập. Nhờ đó, bình quân thu nhập mỗi năm của gia đình anh ổn định từ 250 - 300 triệu đồng.

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã cũng đã thực hiện một cách có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình, hỗ trợ việc làm để cải thiện thu nhập cho hộ nghèo. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 31 triệu đồng/năm (năm 2018), tăng 8 triệu đồng so với năm 2010. Xã đang phấn đấu, đến năm 2020 thu nhâp bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm.

Phát huy nội lực

Từ hướng đi đúng là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, sau đó phát huy nội lực trong dân kết hợp với nguồn lực đầu tư của Nhà nước để nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để vận động người dân tích cực tham gia qua các việc làm cụ thể như: hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động làm giao thông nông thôn, thủy lợi; xây dựng cảnh quan môi trường. Chính vì vậy mà nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã có chuyển biến tích cực và tham gia nhiệt tình các phong trào xây dựng NTM.

Một trong những điển hình là xây dựng đường điện thắp sáng ở thôn Đông Giang 1, người dân ở đây đã đóng góp 68 triệu đồng để lắp điện đường ở bốn nhánh đường thôn. Đây là những con đường thôn có điện đường đầu tiên trong xã và đã mang lại hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ sang các thôn khác. Từ ngày có đèn đường, cuộc sống người dân trong thôn vui nhộn hẳn lên vì bà con không còn ngại tham gia các buổi sinh hoạt vào ban đêm, đồng thời là nơi để bà con rủ nhau đi bộ tập thể dục, trẻ em vui chơi…  Việc này cũng đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Theo UBND xã Buôn Tría, xã vẫn còn 6 tiêu chí NTM chưa đạt được. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là các tiêu chí cần có sự hỗ trợ lớn nguồn vốn từ Nhà nước như tiêu chí về thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi... Do đó, xã cần được tiếp tục bố trí nguồn lực để đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020 như kế hoạch đã đề ra.

Ngoài ra, người dân còn đóng góp nhiều công sức, tiền của, hiến đất để xây dựng nhà văn hóa thôn, đường nông thôn, kênh mương thủy lợi... Anh Nguyễn Văn Long, Trưởng thôn Đông Giang 1 chỉ đoạn đường nội đồng mới được bê tông hóa sạch sẽ, cao ráo giữa cánh đồng của thôn và cho hay, trước đây đoạn đường này rất lầy lội, thường xuyên bị ngập nên việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, anh cùng nhiều hộ có đất ruộng ở khu vực này đã hiến đất để mở rộng đường và bê tông hóa như hộ ông Nguyễn Văn Tùng hiến đến 2,5 sào đất. Riêng gia đình anh đã hiến 250 m2 đất ruộng để mở rộng và nâng cấp con đường nội đồng này.

Anh Nguyễn Văn Long (thôn Giang Đông 1) đi kiểm tra ruộng lúa của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Long (thôn Giang Đông 1) đi kiểm tra ruộng lúa của gia đình.

Ông Phạm Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Buôn Tría cho biết, toàn xã có 7 thôn và 1 buôn, cùng với việc phát triển kinh tế, nhân dân đã đóng góp rất nhiều cho việc hoàn thành các tiêu chí NTM của xã. Trong 10 năm, tổng số tiền nhân dân đóng góp là 658 triệu đồng; tham gia 280 ngày công; hiến 24.100 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện Buôn Tría là đơn vị duy nhất của huyện Lắk hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM; toàn xã đã có trên 75% đường nội thôn, nội đồng được mở rộng, bê tông hóa và cứng hóa; nhân dân hưởng ứng và tự bỏ ngày công lao động,  đóng góp tiền để mắc điện thắp sáng 8/8 thôn, buôn; 3 trường học được đầu tư xây dựng; hệ thống mương máng thủy lợi được đầu tư xây dựng cơ bản; cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần theo từng năm, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.