Multimedia Đọc Báo in

Hấp thụ vốn yếu, tăng trưởng tín dụng gặp khó

09:20, 03/10/2019

So với mục tiêu mà ngành Ngân hàng đặt ra từ đầu năm, đến nay tăng trưởng tín dụng trên địa bàn  tỉnh chưa đạt được kết quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.

Tốc độ tăng trưởng thấp

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN), tính đến 30-9, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 95.600 tỷ đồng, tăng 5,3% (tăng 4.815 tỷ đồng) so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 57 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,6% tổng dư nợ cho vay, tăng 4,71% so với đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ; dư nợ cho vay trung, dài hạn 38.600 tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng dư nợ cho vay, tăng 6,19% so với đầu năm, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong ba năm trở lại đây (9 tháng năm 2017 tăng 12,8%; 9 tháng năm 2018 tăng gần 9%) và cũng thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn quốc (8,22%).

Tại buổi làm việc mới đây với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường, Giám đốc NHNN Tăng Hải Châu cho rằng, chỉ số tăng trưởng tín dụng thấp như trên phát đi một tín hiệu không tốt của nền kinh tế khi sức hấp thụ vốn yếu. Bên cạnh nguyên nhân từ thực trạng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh hạn chế thì giá nông sản xuống thấp cũng tác động đến suất đầu tư của người nông dân, dẫn đến nhu cầu vốn không cao. Những yếu tố đó cộng hưởng lại đã tác động mạnh lên tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại một đơn vị trực thuộc Agribank Đắk Lắk.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại một đơn vị trực thuộc Agribank Đắk Lắk.
 

“Mặc dù theo số liệu thống kê thì Đắk Lắk có đến hơn 8.000 doanh nghiệp, nhưng ở một góc độ nhất định nào đó, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp trên địa bàn còn rất hạn chế, nhỏ lẻ”.

 
 
Ông Tăng Hải Châu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk

Theo đại diện của một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn, trong khi nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng chậm thì các lĩnh vực có nhu cầu vốn cao như cho vay tiêu dùng, bất động sản, BOT, chứng khoán lại bị hạn chế cho vay do lo ngại về rủi ro. Đồng thời, các ngân hàng thương mại đang phải thực hiện quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng có phần tác động đến tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Không hạ chuẩn để cho vay bằng mọi giá

Mặc dù tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh thường có tính thời vụ, tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, nhưng so với kế hoạch tăng trưởng dư nợ trên địa bàn của NHNN (13% - 15%) thì việc từ nay đến cuối năm phải tăng trưởng thêm khoảng 8% là thách thức rất lớn.

Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại khi được hỏi về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm 2019 đều cho rằng sẽ nỗ lực nhưng rất khó để hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, đồng thời cũng khẳng định sẽ không hạ chuẩn tín dụng để cho vay bằng mọi giá, gây rủi ro lên hệ thống.

Thực tế là mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp, nhưng các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều đề cao chất lượng tín dụng. Điều này thể hiện rõ khi cơ cấu tín dụng đang tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, cho vay doanh nghiệp hiện đạt 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 13,30% so với đầu năm, với hơn 3 nghìn lượt doanh nghiệp vay vốn. Cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 54.300 tỷ đồng, chiếm 56,8% tổng dư nợ cho vay, tăng 3,31% so với đầu năm, với gần 400 ngàn khách hàng còn dư nợ. Cho vay xuất khẩu đạt 1.300 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 41,3% so với đầu năm. Còn lại là tín dụng chính sách có dư nợ 4.727 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm, với 202.660 khách hàng còn dư nợ.

Cán bộ Agribank Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng trên địa bàn  huyện Krông Pắc.
Cán bộ Agribank Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp, nhưng theo NHNN, điều đáng mừng là chất lượng tín dụng được bảo đảm, nguồn vốn tập trung phục vụ sản xuất kinh doanh. Đây cũng là định hướng quan trọng đối với các tổ chức tín dụng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.