Người cao tuổi nêu gương sáng trong phát triển kinh tế
Những năm qua, phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” ở huyện Cư M’gar đạt được nhiều kết quả tích cực; qua phong trào, đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao, làm gương sáng cho con cháu và người dân trên địa bàn noi theo.
Hội Người cao tuổi huyện Cư M’gar hiện có hơn 11.320 hội viên (chiếm tỷ lệ 96% người cao tuổi trên địa bàn), tham gia sinh hoạt ở 17 tổ chức hội, 189 chi hội. Những năm qua, phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” được các cấp Hội Người cao tuổi trong huyện quan tâm triển khai, phát động sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên với phương châm: những hội viên còn sức khỏe, có điều kiện thì trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành nghề, dịch vụ để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình; những hội viên sức khỏe yếu thì hướng dẫn cho con cháu về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình... Để động viên, khích lệ hội viên tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội còn phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phù hợp với thực tế ở địa phương...
Toàn huyện Cư M'gar hiện có 4.700 người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ; trong đó có 371 cụ là chủ các trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao. |
Với ý chí tự lực, tự cường, bằng những kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống, người cao tuổi trên địa bàn huyện đã mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp, thương mại – dịch vụ…, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm lao động tại địa phương. Đặc biệt có nhiều cụ được công nhận là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, với mức thu nhập mỗi năm đạt từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương…
Ông Đặng Ngọc Thơ (bên trái) giới thiệu về mô hình trồng chanh dây của gia đình. |
Tiêu biểu là tấm gương của ông Đặng Ngọc Thơ ở thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến. Năm nay đã 67 tuổi, sức khỏe đã giảm sút nhưng ông Thơ vẫn miệt mài lao động sản xuất, là điển hình trong phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” ở địa phương. Ông Thơ là một trong những người đầu tiên ở địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, với 5 sào đất trồng chanh dây, mỗi năm gia đình ông thu được 25 tấn chanh dây (bình quân mỗi sào thu được 5 tấn). Với giá bán trên thị trường dao động từ 8.000 - 20.000 đồng/kg chanh dây tùy từng thời điểm, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình ông Thơ có lãi từ 100 – 250 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương…
Nói về phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” ở địa phương, bà Trần Thị Hòa, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Cư M’gar đánh giá: Người cao tuổi trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người cao tuổi đã năng động, nhạy bén trong kinh doanh thương mại dịch vụ với mức thu nhập cao từ 400 - 500 triệu đồng/năm… Số lượng hội viên người cao tuổi được công nhận làm kinh tế giỏi ngày càng nhiều, trong đó có rất nhiều hội viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ; một số cụ còn vinh dự được cấp tỉnh, cấp Trung ương biểu dương.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc