Multimedia Đọc Báo in

Ổn định đầu ra nhờ liên kết sản xuất sầu riêng VietGAP

09:39, 04/10/2019

Thời điểm này, các thành viên Tổ hợp tác (THT) sầu riêng Phước Lợi ở thôn Tân Bắc (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) đang thu hoạch sầu riêng trong niềm vui được mùa, đầu ra ổn định với mức giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với thị trường.

Nhận thấy nông sản của người dân tại địa phương phát triển tốt nhưng theo hướng tự phát và không tập trung, sản lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đầu ra còn bấp bênh, tháng 4-2019, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo ở thôn Tân Bắc đã đứng ra liên kết các hộ nông dân trồng sầu riêng trong khu vực, thành lập THT Phước Lợi với 15 thành viên. Để nâng cao giá trị sản phẩm, ngay khi thành lập, các thành viên THT đã thực hiện chăm sóc vườn cây theo quy trình VietGAP bằng cách áp dụng tưới nước tiết kiệm, phòng trừ sâu bệnh bằng vi sinh, sử dụng phân hữu cơ sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất..., đồng thời đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, liên kết đầu ra ổn định với các doanh nghiệp, siêu thị.

Mô hình sầu riêng VietGAP đang cho thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Lưu (xã Ea Kênh,  huyện Krông Pắc).
Mô hình sầu riêng VietGAP đang cho thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Lưu (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc).
 
“THT sầu riêng Phước Lợi hiện có diện tích trồng chuyên canh trên 15 ha, gồm 2 giống sầu riêng chất lượng cao Ri6 và Dona, năng suất bình quân từ 30 - 35 tấn/ha, sản lượng mỗi năm gần 500 tấn. Với chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hiện sản phẩm của THT được liên kết đầu ra ổn định với mức giá cao hơn so với sản phẩm canh tác thông thường từ 10 - 20%”.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Tổ trưởng THT sầu riêng Phước Lợi

Gần một tháng nay, ngày nào gia đình ông Nguyễn Văn Lưu cũng được thương lái đến tận vườn sầu riêng thu mua với mức giá ổn định 60.000 - 65.000 đồng/kg. Ông Lưu phấn khởi chia sẻ: “Từ khi vào THT, tôi được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hướng dẫn và xây dựng mô hình chăm sóc sầu riêng VietGAP. Nhờ vận dụng tốt các kiến thức khoa học - kỹ thuật nên vườn cây phát triển rất tốt, cho năng suất cao hơn những năm trước. Trái sầu riêng sau thu hoạch truy xuất được nguồn gốc nên dễ tiêu thụ, giá cả được THT ký kết bao tiêu ổn định”. Ông Lưu ước tính: với 1,2 ha sầu riêng 15 năm tuổi của gia đình, năm nay cho thu khoảng 30 tấn/ha, trừ chi phí gia đình ông thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.  

Tương tự, vườn sầu riêng 1,2 ha của ông Trần Mạnh Thiềm cũng đang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu một cách hợp lý và ghi chép nhật ký thường xuyên. Ông Thiềm cho biết, tham gia vào THT, không còn nỗi lo về đầu ra giúp ông yên tâm tập trung đầu tư sản xuất. Ôngg đã lắp đặt hệ thống tưới tự động cho toàn bộ vườn cây giúp giảm công lao động, tiết kiệm lượng nước tưới, tăng năng suất và độ đồng đều của trái. Gần 1,2 ha sầu riêng của gia đình ông Thiềm năm nay cho trái đều, đẹp, ước sản lượng đạt trên 30 tấn. Điều phấn khởi là giá sầu riêng VietGAP được thương lái đặt mua ổn định với mức giá 65.000 đồng/kg cắt tại vườn (cao hơn giá thị trường 10.000 đồng). Dự kiến vụ sầu riêng năm nay, gia đình ông Thiềm cũng sẽ có được lợi nhuận trên 800 triệu đồng.

Sầu riêng của THT Phước Lợi (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) được thương lái thu mua tận vườn.
Sầu riêng của THT Phước Lợi (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) được thương lái thu mua tận vườn.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Tổ trưởng THT sầu riêng Phước Lợi, việc áp dụng sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP không khó, chỉ cần thay đổi cách nghĩ cách làm thì nông dân ai cũng có thể làm được. Việc sản xuất tập trung, đồng bộ theo quy trình giúp người dân nâng cao trình độ canh tác, tiếp cận và nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.