Thành công lớn từ những ý tưởng nhỏ
Phong trào khởi nghiệp đã và đang lan tỏa trong giới trẻ cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Trong đó có rất nhiều người ấp ủ những ý tưởng khởi nghiệp tưởng nhỏ nhưng mang tầm vóc không hề nhỏ. Bằng sự đam mê và nỗ lực của mình, họ vượt qua mọi khó khăn để cụ thể hóa những ý tưởng đó, vững bước đi đến thành công.
Người tạo cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ
Gần đây, Giám đốc Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phạm Đông Thanh xuất hiện khá nhiều tại các diễn đàn, hội thảo, chương trình, hoạt động... liên quan đến khởi nghiệp. Anh đã và đang trở thành một tấm gương, khơi dậy được cảm hứng khởi nghiệp cho không ít bạn trẻ, các startup trên địa bàn tỉnh noi theo.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tài chính kế toán TP. Hồ Chí Minh vào năm 1995, anh Thanh về công tác tại Cục Hải quan Đắk Lắk cho đến năm 2005. Mười năm cận kề với lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng là chừng đó thời gian anh nung nấu ý tưởng kinh doanh ngành vận tải. Anh Thanh chia sẻ, khi đó anh nghĩ rất đơn giản rằng trên địa bàn tỉnh chỉ có hai con đường vận tải là hàng không và đường bộ. Trong khi đường hàng không chủ yếu dùng chở khách thì hàng hóa chỉ có thể đi theo đường bộ. Hơn nữa, đa phần người dân trên địa bàn đều sản xuất cà phê và các loại nông sản khác nên nhu cầu vận tải sẽ không bao giờ ngừng. Từ ý tưởng đó cộng với niềm đam mê xe cộ từ nhỏ, năm 2005, anh Thanh đã quyết định “chia tay” công việc nhà nước để bắt tay vào kinh doanh ngành nghề vận tải với cái tên Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước.
Bước vào lĩnh vực mới từ con số 0, không hiểu biết về mô hình kinh doanh, về nhân sự hay về marketing… anh Thanh bắt đầu mày mò từng thứ. Anh đọc và đọc rất nhiều sách. Bước đầu anh tập trung xây dựng đội ngũ nhân sự vững về tay nghề và giàu nhiệt huyết, tiếp theo là xây dựng quy trình kinh doanh, hoạch định tài chính một cách rõ ràng và tìm kiếm nhiều nguồn hỗ trợ, tư vấn… Những ngày đầu mới kiến thiết công ty, mọi thứ vô cùng khó khăn đối với anh khi doanh thu những năm đầu tiên chỉ từ vài chục tới vài trăm triệu đồng.
Xác định chất lượng dịch vụ phải được đưa lên hàng đầu, anh Thanh bắt đầu đưa ra chiến lược làm sao để khách hàng hài lòng nhất sau đó mới tính đến chuyện lời, lỗ. Phương pháp marketing của anh là từ việc khách hàng “truyền miệng” nhau và từ từ tạo sự lan tỏa niềm tin một cách vững chắc đối với công ty. Bằng sự nỗ lực và kiên trì với con đường mình đã chọn, công ty anh đã từng bước phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 2016, Công ty An Phước đã đưa vào hoạt động một lĩnh vực mới trên thị trường đó là Logistics nhằm bổ trợ cho hoạt động vận tải.
Năm 2018, doanh thu của Công ty An Phước đạt 130 tỷ đồng, phấn đấu năm 2019 đạt khoảng 150 tỷ đồng. Trong năm 2019, công ty đã trang bị 20 xe tải trọng 9 – 20 tấn, tạo nên một đội xe hùng hậu với hơn 100 đầu xe tải các loại và tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động trên địa bàn. Năm 2018, An Phước là một trong hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận được Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt.
Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước Phạm Đông Thanh cùng nhân viên công ty kiểm tra số xe tải mới trang bị thêm. |
Chia sẻ về bí quyết để có được thành công như ngày hôm nay, anh Thanh cho rằng, chính việc tạo được sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ bằng phương thức quản lý tập trung và phương tiện vận tải đều được công ty đầu tư đồng bộ đã tạo nên thương hiệu riêng. Đồng thời việc bảo đảm chất lượng sản phẩm dịch vụ cũng là điểm mấu chốt để hiện thực hóa những ý tưởng trong đầu tư, kinh doanh của mình.
Tìm đầu ra cho sản phẩm gia đình
Với suy nghĩ chỉ cần tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mắc ca của gia đình mình trồng được, chị Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) đã xây dựng thành công thương hiệu Mắc ca Nguyên Phương và trở thành một tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua. Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng, năm 2014 chị Phương thử sức mình tại nhiều doanh nghiệp ở TP. Đà Nẵng. Đến năm 2016, nhận thấy mắc ca mà gia đình và các hộ dân lân cận thu hoạch đại trà hầu như không có đầu ra, trong khi thị trường mắc ca trong nước và quốc tế đang rộng mở nhưng chỉ mới cung ứng được 25 – 35%, Đắk Lắk lại có sản lượng mắc ca đã đứng thứ 2 toàn quốc, cô gái trẻ sinh năm 1992 này đã từ bỏ công việc đang làm ở Đà Nẵng, về địa phương khởi nghiệp với cây mắc ca.
“Để thành công, kể cả với các startup hay bất cứ ai thì điều đầu tiên cần có là đam mê và sự kiên nhẫn để theo đuổi đam mê đó. Bên cạnh đó cần có kiến thức và kinh nghiệm nhất định thì mới nên bắt đầu quá trình khởi nghiệp”.
Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước Phạm Đông Thanh
|
Để tìm hiểu về công nghệ kỹ thuật, sản phẩm, thị trường tiêu thụ và mua được máy móc, chị Phương đã tốn không ít thời gian. Giữa năm 2016, sản phẩm “mắc ca sấy dập nứt” mang thương hiệu Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương lần đầu tiên được tung ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Thời gian đầu, chị Phương chỉ bán lẻ, bán online là chủ yếu. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mọi việc dường như không được thuận buồm xuôi gió với chị khi khó khăn liên tiếp ập đến. Chị Phương chia sẻ, có lúc nản chí, chị muốn bỏ cuộc nhưng rồi lại vực dậy niềm tin, nỗ lực theo đuổi ý tưởng kinh doanh của mình. Để tạo uy tín với khách hàng, chị Phương chủ trương “lấy uy tín làm đầu”, hàng lỗi, hàng hư hỏng chị đổi cho khách hàng. Bên cạnh đó, chị dần hoàn thiện hệ thống máy móc, từng bước tìm giải pháp vượt qua thất bại.
Nhờ kiên định với con đường mình đã chọn, sau một năm thua lỗ (77 triệu đồng) vào năm 2016, năm 2017 chị Phương xuất ra thị trường 25 tấn hạt mắc ca, trừ chi phí còn lãi 450 triệu đồng. Năm 2018, doanh thu của Công ty Nguyên Phương đã đạt hơn 5 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019 sẽ tăng lên hơn 10 tỷ đồng. Ngoài phân phối sản phẩm ở thị trường trong nước, hiện nay sản phẩm Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương đã mở rộng thị trường ra nước ngoài. Thành công lại một lần nữa mỉm cười với chị Phương khi đề án “Sản xuất và kinh doanh hạt mắc ca” của chị đoạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018, đặc biệt chị đã gọi vốn thành công 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần của Công ty tại vòng Chung kết Shark Tank Việt Nam.
Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương Nguyễn Thị Thu Phương kiểm tra chất lượng hạt mắc ca tại xưởng sản xuất. |
Theo chị Phương, để có thể khởi nghiệp thành công, yếu tố quyết định không phải là một ý tưởng to tát, lớn lao hay đè nặng vấn đề về tiền bạc mà là ở niềm đam mê, nghị lực vượt qua khó khăn và niềm tin để theo đuổi và hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc