Multimedia Đọc Báo in

Trồng dâu nuôi tằm – thêm hướng phát triển kinh tế ở Ea Bar

09:01, 01/10/2019

Thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đã mạnh dạn chuyển đổi dần những diện tích đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, góp phần cải thiện thu nhập.

Gia đình chị Đàm Thị Đào (thôn 12) là một trong những hộ đầu tiên tại địa phương mạnh dạn đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Đầu năm 2019, có dịp tham quan mô hình nuôi tằm tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), chị Đào nhận thấy mô hình này không cần đầu tư nhiều vốn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại có thể chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Tháng 3-2019, chị Đào đã cải tạo 8 sào đất trồng lúa và bắp của gia đình sang trồng dâu; đồng thời bỏ ra 15 triệu làm nhà và mua sắm các vật dụng như né, kệ sắt, lưới… để nuôi tằm. Cuối tháng 8, khi vườn dâu phát triển xanh tốt và có thể thu hoạch lá, chị đến huyện Lắk mua một hộp giống tằm tuổi 3 với giá 1 triệu đồng về nuôi thử. Sau nửa tháng nuôi, gia đình chị thu được 35 kg kén, bán với giá 115.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị thu lãi 3 triệu đồng. Với thành công bước đầu, gia đình chị Đào tiếp tục mua thêm một hộp giống tằm về nuôi, đến nay sắp cho thu hoạch.

Theo chị Đào, tằm là loài vật dễ nuôi, ít bệnh nhưng có sức đề kháng kém, rất nhạy cảm với hóa chất và mùi lạ nên nhà nuôi cần sạch sẽ, thoáng mát; ban đêm phải thả màn để tránh côn trùng tấn công. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, tằm sẽ lớn đều sau khoảng 15 ngày nuôi thì có thể cho thu hoạch kén. Mỗi hộp giống tằm sẽ đạt năng suất từ 40-50 kg kén. Trong thời gian tới, chị Đào sẽ đầu tư vốn để mở rộng quy mô nuôi lên 2-3 hộp giống tằm theo hình thức gối đầu.

Bà Phan Thị Thái (thôn 11 ) cho tằm ăn.
Bà Phan Thị Thái (thôn 11 ) cho tằm ăn.
 
Nghề trồng dâu đang đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mở ra thêm một hướng đi mới trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Tuy nhiên, nghề này còn khá mới mẻ nên bà con nông dân mong cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật và vốn để từng bước nâng cao hiệu quả của nghề”.
 
 Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar Trần Thị Lan Phương

Gia đình ông Phan Thái Học (thôn 12) cũng bắt đầu trồng dâu nuôi tằm từ tháng 3-2019. Ông Học đã tiến hành trồng dâu trên diện tích 5 sào đất lúa kém hiệu quả của gia đình và mua 2 hộp giống tằm về nuôi. Trong vòng 15 ngày, tằm cho thu hoạch 50 kg kén, bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg giúp gia đình ông thu về gần 6 triệu đồng.

Mới chỉ qua một lứa nuôi tằm nhưng ông Học thấy rằng cùng một diện tích đất, trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa và hoa màu. Theo ông Học tính toán: "Với 1 sào đất trồng lúa nếu đạt năng suất sẽ thu được 9 tạ lúa, sau khi trừ chi phí đầu tư, công cán thì chỉ còn lại khoảng 1 triệu đồng. Nhưng cùng trên diện tích đất đó nếu trồng dâu, tôi có thể nuôi được một hộp giống tằm, trong vòng nửa tháng đã cho thu hoạch kén và thu lãi từ 2-3 triệu đồng. Ngoài ra, cây dâu chỉ mất công trồng ban đầu, khi cắt lá đợt một xong người trồng chỉ cần cắt bỏ cành và bón phân thì sẽ tiếp tục cho lá đợt hai để nuôi tằm".

Vườn dâu tằm của gia đình ông Phan Thái Học (thôn 12).
Vườn dâu tằm của gia đình ông Phan Thái Học (thôn 12).

Theo bà Trần Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar, với những ưu điểm như độ rủi ro thấp, mức đầu tư ít, nhanh thu hồi vốn và phù hợp với quy mô hộ gia đình nên nghề trồng dâu nuôi tằm được một số hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Tháng 3-2019, những người có cùng ý tưởng đã tập hợp thành lập Tổ hợp tác nuôi tằm để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về cây, con giống giúp cho việc chăn nuôi được thuận lợi và đạt hiệu quả. Sau khi tổ được thành lập, các thành viên đã tiến hành trồng dâu và nuôi thành công lứa tằm đầu tiên. Giữa tháng 9-2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Buôn Đôn đã hỗ trợ 8 sào giống dâu và 8 hộp giống tằm giúp các thành viên trong tổ mở rộng quy mô nuôi. Hiện nay, tổ có 6 thành viên, với tổng diện tích đất trồng dâu là 3,3 ha tập trung tại thôn 11 và thôn 12.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.