Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai 9x lập nghiệp từ cây trái

08:50, 14/11/2019

Với quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Thanh Hùng (29 tuổi), Phó Bí thư Chi đoàn thôn 8, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Tốt nghiệp chuyên ngành Lâm sinh (Trường Đại học Tây Nguyên) vào năm 2012, sau khi ra trường, được bố mẹ để lại 1,5 ha đất rẫy cà phê, anh Hùng ứng dụng kiến thức đã học, quyết tâm cải tạo mảnh đất này để đạt hiệu quả kinh tế cao. Anh tiến hành cưa đốn ghép chồi đối với những cây cà phê già cỗi, kém năng suất; đồng thời trồng xen thêm 100 cây sầu riêng Dona, 500 trụ tiêu, 100 cây bơ (bơ Booth, bơ 034 và bơ Cuba)… Đến nay 100 cây sầu riêng bắt đầu cho thu bói, 500 trụ tiêu cũng đã cho thu hoạch. Năm 2018, vườn cây đã mang lại cho anh nguồn thu trên 250 triệu đồng. Cùng với vốn liếng tích cóp sau một thời gian chịu khó làm lụng, vợ chồng anh đã mua thêm 1 ha đất để trồng mới 2.000 trụ tiêu.

Anh Hùng đang  chăm sóc vườn cây của  gia đình.
Anh Hùng đang chăm sóc vườn cây của gia đình.

Trải qua nhiều năm làm cà phê, anh Hùng nhận thấy nhu cầu phơi sấy cà phê của bà con nông dân trong mùa thu hoạch rất cao, bởi mùa cà phê mọi người rất bận rộn, hơn nữa thời tiết lại mưa nắng thất thường, nên đầu năm 2018, anh quyết định đầu tư hơn 150 triệu đồng để xây lò sấy cà phê tự đảo tại mảnh đất rẫy của mình thuộc thôn 9, xã Ea Ngai (huyện Krông Búk).

Với công suất mỗi mẻ sấy được khoảng 7 tấn cà phê tươi trong khoảng thời gian từ 16 - 18 tiếng, lò sấy có thể nhận sấy cho bà con nông dân khu vực này, nguồn vỏ cà phê được tận dụng làm nguyên liệu đốt lò. Cà phê sau sấy khô được anh Hùng xay xát thành cà phê nhân, khách hàng có thể phơi thêm hoặc cho vào kho để bảo quản nếu đã đủ độ. Mùa cà phê năm 2018, anh Hùng nhận sấy hơn 350 tấn cà phê tươi cho bà con trong vùng, vừa có nguồn thu nhập đáng kể, vừa góp phần nâng cao chất lượng cà phê nhân. Để giảm thiểu sức người, anh đã đầu tư thêm máy hút cà phê từ ngoài vào lò và ngược lại. Nhờ vậy, lò sấy chỉ cần 1- 2 người vận hành.

Cùng với việc tích cực sản xuất, nhận thấy nhu cầu khách hàng ở các tỉnh yêu thích trái cây của Đắk Lắk, anh đã chủ động lên các trang mạng xã hội kết nối, tìm mối để cung cấp trái cây. Trái cây trồng trong vườn nhà không đủ cung cấp, anh thu mua thêm ở các nhà vườn quanh vùng. Mùa nào thức nấy, anh rong ruổi khắp các con đường trong và ngoài xã, tìm trái cây sạch để bỏ mối ra các tỉnh, thành trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng…

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.