Đánh bạc với... trời
Tây Nguyên bước vào mùa khô thì cũng là thời điểm các xã vùng biên Ea Súp đón hàng trăm lao động từ các miền quê ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến trú ngụ, mưu sinh. Họ đổ tiền bạc và mồ hôi trên những ruộng dưa hấu rồi “cầu trời, khấn đất”… Trong câu chuyện của những người nông dân chất phác này, trồng dưa cũng giống như “đánh bạc với trời”, vụ được vụ mất, có khi lãi đậm hay bị lỗ nặng chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Du canh cùng những ruộng dưa
Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 10, khi thời tiết vùng Tây Nguyên bước vào mùa khô thì vợ chồng anh Nguyễn Quang Dũng (SN 1979) lại dắt díu nhau từ xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định) lên Ea Súp thuê đất, dựng trại trồng dưa. Năm nay, anh thuê 2 ha đất ở thôn 11 (xã Ia R'vê) để dựng trại trồng dưa. Gọi là trại nhưng nó giống cái lều chăn vịt hơn, chỉ tuềnh toàng, trống hoác, tạm bợ một tấm bạt rộng tầm 20 m2 được giằng néo bởi vài cành cây rừng to bằng bắp tay. Vào những giai đoạn cao điểm, đó là không gian sinh hoạt, ăn nghỉ của trên 10 con người.
Nhân công làm thuê cho các chủ ruộng dưa ở huyện Ea Súp. |
Không riêng gì anh Dũng, theo thống kê chưa đầy đủ thì mỗi năm, huyện Ea Súp có khoảng 200 - 300 người từ các tỉnh khác đến đây thuê đất trồng dưa. Và hàng trăm chủ ruộng dưa ở đây đều có cuộc sống tạm bợ như vậy. “Chúng tôi sống du canh với dưa, rày đây mai đó nên chẳng quan trọng gì nơi ăn chốn ở. Chỉ cần cái võng ngã lưng, chợp mắt qua đêm là được.” – anh Dũng mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Vợ chồng anh có nghề trồng dưa hấu cũng ngót 20 năm. Trước đây anh chỉ làm dưa quanh quẩn trên những bãi bồi dọc sông Kôn ở dưới quê, diện tích nhỏ, năm được năm mất nên thu nhập bấp bênh. Vài năm trước, có người quen rủ anh lên Ea Súp thuê đất khai hoang trồng dưa, anh đánh liều khăn gói lên đường. Từ đó, vợ chồng anh bắt đầu cuộc sống “du canh” cùng những ruộng dưa…
Theo lời anh Dũng, trồng dưa là sống “du canh” theo dưa, bởi dân gian đã đúc kết: “Dưa ruộng lạ, mạ ruộng quen”. Có nghĩa đất trồng dưa phải là đất lạ thì mới sinh trưởng tốt, cho quả to, ngọt, đạt yêu cầu. Thường thì trên một diện tích đất, phải sau khoảng 2 - 3 năm mới trồng một vụ dưa.
Không chỉ những chủ ruộng dưa, vì cuộc mưu sinh nên nhiều lao động phổ thông cũng phải sống “du canh” theo từng thời kỳ sinh trưởng của dưa. Ông Nguyễn Văn Vân (SN 1960, quê xã An Phú, thị xã An Nhơn, Bình Định), một chủ ruộng dưa rộng 3 ha ở đây cho biết: Tất tần tật các công đoạn làm dưa đều phải thuê nhân công, từ khâu làm đất, xuống giống, tỉa dây, cắm hom, chọn trái, bón phân… cho đến lúc thu hoạch. Theo ông Vân, công làm dưa không nặng mà chủ yếu là biết việc nên phụ nữ, người già ai cũng có thể làm được. Thường thì chủ ruộng dưa quê ở đâu sẽ thuê nhân công ở đó đến làm. Họ ăn, ở trong trại cùng với chủ. Trại dưa của ông hiện đang có trên 10 người. Chủ trại bao ăn, tiền công mỗi người 200.000 đồng/ngày.
“Đánh bạc với… trời”
Theo kinh nghiệm của những người trồng dưa thì ngoài yếu tố “ruộng lạ”, loại cây trồng này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, phân bón, công chăm sóc… Nếu dưa vừa xuống giống mà gặp mưa thì cây sẽ bị thối rễ, còn trong giai đoạn đang phát triển quả mà gặp mưa dầm thì coi như hỏng cả vụ, bởi dưa sẽ bị nứt, thối quả. Dưa hấu “kiêng” mưa, nhưng lại đòi hỏi phải được tưới nước thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Vân ví von: “Trồng dưa cũng giống như chăm con mọn. Phải theo sát từng đọt dưa mỗi ngày, mỗi giờ mới có thể kịp thời xử lý những mầm bệnh phát sinh, giúp dưa phát triển tốt được”.
Ông Võ Văn Vân (thứ hai từ phải sang) cùng một số chủ ruộng dưa trò chuyện với phóng viên trong túp lều tuềnh toàng tạm bợ. Ảnh: Trọng Khang |
Ông Vân là một trong những người đầu tiên đến đất Ea Súp này thuê đất trồng dưa và cũng là người đã nếm trải được nhiều vị “ngọt – đắng” của cái nghề cơ cực này. Ông bảo: “Trồng dưa giống như đánh bạc với trời, khi thắng khi thua, chẳng ai nói trước được chuyện gì”. Nói rồi ông nhẩm tính: Cộng tất cả các khoản đầu tư cho 1 ha dưa là khoảng 160 triệu đồng, sau 2 tháng rưỡi sẽ thu hoạch. Nếu “trời thương”, dưa được mùa (40 tấn/ha), bán được giá khoảng 4.500 đồng/kg thì có lãi. Giá bán thấp hơn thì coi như thua.
Ông Vân kể: “Vụ dưa năm 2018 tui cũng trồng 3 ha dưa với tổng chi phí đầu tư khoảng 450 triệu đồng. Đến khi thu hoạch, giá dưa chỉ có 1.500 đồng/kg, lỗ “trắng mắt” gần 300 triệu đồng. Nhưng bù lại mùa trước nữa, giá dưa lên cao, tui thu được lãi khoảng 500 triệu đồng. Năm nay cũng trồng 3 ha, tui vừa làm vừa “cầu trời, khấn đất” nhưng chưa biết thế nào…”. Tương tự, năm 2018, anh Nguyễn Quang Dũng cũng đầu tư trồng 2 ha dưa ở xã Ia J'lơi và đã phải “ôm nợ” 200 triệu đồng khi giá dưa nằm ở mức 1.700 đồng/kg.
Câu chuyện buồn – vui, được – mất của những người trồng dưa không chỉ ở năng suất, giá thành mỗi vụ, mà đôi khi lại là hên – xui như một canh bạc theo đúng nghĩa đen. Anh Nguyễn Quang Dũng nhớ lại: Có những thời điểm giá dưa rất “ngọt”, buổi sáng đầu nậu vào ruộng tranh nhau mua 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng qua bữa cơm, đến chiều thì… “đứng hình”. Thậm chí giá rớt thê thảm xuống còn 2.000 - 3.000 đồng/kg mà cũng không có ai mua. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, những ai may mắn bán được dưa giá cao thì lãi lớn, còn lại số chưa kịp bán thì đành phải ôm nợ vì lỗ.
Cùng chung tâm trạng phập phồng lo lắng, anh Nguyễn Văn Tín (SN 1980, quê ở Nhơn Phước, An Nhơn, Bình Định) góp chuyện thêm: “Làm nông sợ nhất là thiên tai, kế đến là “nhân tai”. Dưa chứ có phải gạo, ngô đâu mà để bán dần được. Sản phẩm mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra, đến thời kỳ thu hoạch mà người ta không mua thì coi như bỏ luôn trên ruộng”. Năm ngoái, anh Tín trồng 1,5 ha và phải chịu lỗ 150 triệu đồng do giá dưa xuống quá thấp. Hết vốn, năm nay anh quyết định vay ngân hàng để tiếp tục với “canh bạc” này.
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc