Multimedia Đọc Báo in

"Điểm tựa" tín dụng cho người nghèo

08:52, 19/11/2019

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cư M’gar có điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, kịp thời hơn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống...

 Tạo bước chuyển sinh kế cho người dân

Năm 2004, khi mới đến định cư ở thôn Hiệp Lợi (xã Quảng Hiệp), gia đình chị Nguyễn Thị Học là một trong những hộ nghèo của xã. Đất đai ít, không có vốn đầu tư sản xuất, trong khi đó chi phí ăn học cho các con lại tốn khá nhiều, nên cứ mãi lâm vào cảnh khốn khó.

Năm 2007, gia đình chị được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội  (NHCSXH) huyện với số tiền 30 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế; tiếp đó lại được vay 114 triệu đồng của chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên cho ba người con học đại học.

Từ nguồn vốn vay này, nhờ chăm chỉ làm ăn, năm 2011 gia đình chị đã chính thức thoát nghèo. Đến nay gia đình chị Học đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua 1 ha đất, trong đó 6 sào đất trồng cà phê xen hồ tiêu, 4 sào trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà thả vườn với trên 1.000 con/lứa. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị thu được khoảng 200 triệu đồng.

Chị Học xúc động nói: “Nhờ nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện gia đình tôi có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nuôi các con đi học, trưởng thành…”.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M'gar thăm mô hình vay vốn đạt hiệu quả.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M'gar thăm mô hình vay vốn đạt hiệu quả.

Tương tự, hoàn cảnh của gia đình bà Huỳnh Thị Sinh (ở tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Ea Pốk) trước đây cũng hết sức khó khăn. Một mình bà nuôi ba người con, mọi thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 1,5 sào ruộng. Năm 2006, bà Sinh được Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho vay 5 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ số tiền này, bà mua một con bò cái 3 triệu đồng, làm chuồng và trang trải cuộc sống gia đình.

Để nuôi bò hiệu quả, bà chủ động tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các cấp tổ chức. Từ một con bò cái sinh sản ban đầu, bà Sinh đã phát triển đàn bò, có lúc lên đến gần 30 con. Cuộc sống của gia đình bà dần ổn định, chính thức thoát nghèo năm 2013…

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay

Không chỉ gia đình chị Học, bà Sinh mà còn có nhiều trường hợp khác đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện. Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar đang triển khai 18 chương trình vay vốn với tổng nguồn vốn hoạt động hơn 324 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hơn 12.800 hộ dân trên địa bàn; trong đó có hơn 2.700 hộ nghèo vay với số tiền 76,703 tỷ đồng, gần 3.000 hộ cận nghèo vay trên 91,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar đã đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hơn 1.100 hộ vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, với số tiền trên 37 tỷ đồng; cho hơn 2.700 hộ vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường với số tiền gần 37 tỷ đồng; hơn 500 học sinh, sinh viên vay 14 tỷ đồng...

Nhờ nguồn vốn vay, gia đình chị Nguyễn Thị Học (ở thôn Hiệp Lợi, xã Quảng Hiệp) đã có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nhờ nguồn vốn vay, gia đình chị Nguyễn Thị Học (ở thôn Hiệp Lợi, xã Quảng Hiệp) đã có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
 
“Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp cho hàng nghìn hộ thoát nghèo. Tính riêng năm 2018 đã có hơn 300 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2,5 - 3% số hộ nghèo trên toàn huyện”.
 
Ông Y Sếp Niê, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar

Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar Y Sếp Niê cho biết, thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền rất quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội và tạo điều kiện cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện hoạt động hiệu quả.

Từ năm 2014 đến nay, UBND huyện đã trích nguồn vốn ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện để giải quyết cho hộ nghèo vay với tổng số tiền 7,3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ về phương tiện, trang thiết bị làm việc; bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện; đặc biệt là quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn đối với các buổi làm việc của NHCSXH tại điểm giao dịch xã.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, với vai trò trung gian truyền dẫn và giám sát vốn, các tổ chức hội, đoàn thể cũng chủ động phối hợp định hướng cho hội viên nghèo cách làm ăn hiệu quả, tiến hành mở rộng quy mô dạy nghề cho người nghèo với nhiều hình thức, từ đó các hộ vay nắm bắt, bổ sung thêm kiến thức, sử dụng vốn vay đạt hiệu quả…

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.