Multimedia Đọc Báo in

Ea Drông phát triển mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi

09:08, 27/11/2019

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh tại địa phương cũng như hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân (HND) xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) đang triển khai hiệu quả mô hình liên kết sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi.

Xã Ea Drông có hơn 4.800 ha đất canh tác; người dân chủ yếu làm lúa, cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi bò, dê, heo… Tuy nhiên, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do các mặt hàng nông sản luôn đối mặt với tình trạng mất mùa, xuống giá, còn gia súc, gia cầm thường bị thương lái ép bán với giá thấp. Trước thực trạng trên, năm 2017 ông Hồ Duy Dũng, Chủ tịch HND xã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê do ông làm tổ trưởng.

“Ở xã có nhiều hộ chăn nuôi dê và đang gặp khó trong tìm kiếm thị trường đầu ra. Tôi mạnh dạn liên kết với 5 hộ dân có kinh nghiệm chăn nuôi dê để thành lập tổ hợp tác với mục đích hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật, vay vốn, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình”, ông Dũng cho hay.

Mô hình nuôi bò của hộ anh Lê Công Sang (thôn 9, xã Ea Drông).
Mô hình nuôi bò của hộ anh Lê Công Sang (thôn 9, xã Ea Drông).

Ngay khi thành lập, tổ hợp tác được Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã Buôn Hồ cho vay 250 triệu đồng để mua con giống, làm chuồng trại chăn nuôi. Cuối năm 2017, tổ tiếp tục được Phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã hỗ trợ mỗi hộ 6 con dê giống với tổng trị giá 130 triệu đồng để chăn nuôi.

Đồng thời, ông Dũng đã tìm đến nhiều nhà hàng trong tỉnh để giới thiệu, chào hàng và được một nhà hàng tại huyện Krông Năng đồng ý thu mua 250 – 300 kg dê thịt/tháng với giá ổn định 140 nghìn đồng/kg.

Ban đầu, các thành viên trong tổ còn lo lắng, chăn nuôi cầm chừng do chưa có nơi bao tiêu nên sản lượng không đáp ứng đủ nhưng sau khi ông Dũng tìm được thị trường tiêu thụ, các thành viên cố gắng mở rộng chăn nuôi và tiếp tục tìm kiếm đầu ra mới.

Hiện nay, ngoài xuất bán hơn 100 - 120 con dê con/năm cho mối hàng tại huyện Krông Năng, các thành viên tổ hợp tác còn bán dê thịt và dê giống cho một số thương lái thu mua nhỏ lẻ trên địa bàn. Nhờ đó, thu nhập của nhiều thành viên tổ hợp tác khá ổn định.

 

“Bên cạnh việc vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hội Nông dân xã còn thường xuyên tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, xây dựng mô hình mẫu… thu hút đông người dân tham gia”.

 

Ông Hồ Duy Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ)

 

Hai năm trước, gia đình ông Phạm Văn Toàn (thôn 6) bắt đầu tham gia tổ hợp tác chăn nuôi dê. Với số tiền được Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã Buôn Hồ hỗ trợ, gia đình ông Toàn bỏ thêm 20 triệu đồng để mua thêm con giống, mở rộng trang trại lên 500 m2 với hơn 30 con dê giống. Để chủ động nguồn thức ăn, ông trồng 5 sào cỏ. Mỗi năm ông Toàn xuất bán từ 15 - 20 con dê, thu lãi hơn 80 triệu đồng. Chưa kể, gia đình ông còn tiết kiệm được một khoản tiền từ nguồn phân chuồng để chăm sóc vườn cà phê, hồ tiêu. Năm đầu tiên, với thu nhập từ đàn dê gia đình ông đã trả hết số vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và có thêm kinh phí để mở rộng chăn nuôi. Hiện nay, trang trại dê của ông Toàn và các thành viên trong tổ  hợp tác còn được nhiều đơn vị tìm đến thu mua, ít khi phải lo đầu ra.

Nhận thấy việc thành lập tổ hợp tác đem lại nhiều lợi ích, HND xã Ea Drông đang triển khai mô hình liên kết chăn nuôi bò. Anh Lê Công Sang (thôn 9) là nhân viên thị trường làm việc cho một doanh nghiệp ở thị xã Buôn Hồ, năm 2018 thấy địa phương có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi bò, anh Sang xin nghỉ việc mở trang trại chăn nuôi bò. Anh đã đầu tư 70 triệu đồng mua 5 con bò giống, trồng thêm 2 sào cỏ phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của HND xã, anh Sang đã liên kết thêm 5 hộ đang nuôi bò tại thôn 9 chuẩn bị thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò để cùng mở rộng quy mô, tăng số lượng để tìm kiếm thị trường lớn.

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Phạm Văn Toàn ở thôn 6 (xã Ea Drông).
Mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Phạm Văn Toàn ở thôn 6 (xã Ea Drông).

Đến nay, trên địa bàn xã Ea Drông có 1.700 con bò, 470 con dê, đàn heo 2.700 con… "Việc liên kết trong chăn nuôi đã giúp người dân nâng cao thu nhập, yên tâm phát triển sản xuất " - ông Hồ Duy Dũng, Chủ tịch HND xã Ea Drông cho biết. 

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.