Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả bước đầu từ trồng cây ăn quả ở Dhung Knung

09:10, 27/11/2019

Nhận thấy các loại cây ăn trái có múi như cam, quýt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, trong những năm qua, nhiều hộ ở thôn Dhung Knung (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây cam đường, cam sành, quýt đường vào trồng với quy mô lớn và bước đầu đã cho thấy hiệu quả.

Thôn Dhung Knung hiện có khoảng 30 hộ trồng cam, quýt với diện tích hơn 10 ha, năng suất trung bình đạt từ 10 - 12 tấn quả/ha. Sản phẩm được thương lái đến tận vườn thu mua với giá dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg quýt, 15.000 – 20.000 đồng/kg cam, sau khi trừ chi phí nông dân có lãi hơn 100 triệu đồng/1 ha, so với các loại cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế ổn định hơn rất nhiều.

Trước đây, gia đình anh Lương Văn Táo chủ yếu trồng ngô lai, sắn, đậu đỗ các loại nhưng không đạt hiệu quả do đất đai bạc màu, cây kém năng suất. Sau thời gian chuyển đổi sang trồng cam, quýt với số lượng khoảng 1.100 gốc, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh lãi hơn 150 triệu đồng. Sau đó anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 50 cây vải, 100 cây bưởi da xanh; diện tích này bước đầu đã cho thu hoạch.

Anh Lương Văn Táo (bên phải) giới thiệu với cán bộ UBND  xã Cư Pui  về vườn cây ăn quả  của gia đình.
Anh Lương Văn Táo (bên phải) giới thiệu với cán bộ UBND xã Cư Pui về vườn cây ăn quả của gia đình.

Tương tự, sau một thời gian tìm hiểu về giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, gia đình anh Len Văn Quấn đã quyết định đưa vào trồng hơn 500 cây quýt đường trên vùng đất bãi triền đồi. Đến nay, vườn cây đã cho thu hoạch, dự tính gia đình anh sẽ thu hơn 80 triệu đồng. Mức thu nhập này cao gấp nhiều lần so với các loại cây hoa màu khác, vì vậy gia đình anh Quấn tiếp tục chuyển đổi nhiều diện tích còn lại để trồng quýt, cam và bưởi.

Hay như gia đình ông Lưu Viết Thơ, với vườn cam khoảng 900 gốc, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được hơn 15 tấn,  cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Nhờ thu nhập cao, ổn định, gia đình ông Thơ đã xây dựng được nhà cửa khang trang và sắm sửa được nhiều phương tiện sinh hoạt trong gia đình.

Ở thôn Dhung Knung, còn có các hộ ông Lưu Viết Thôn, Len Văn Chí, Ngân Văn Dũng, Ngân Xuân Hoàng, Lộc Văn Huê... cũng trồng từ 400 - 600 cây cam, quýt và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay nhiều cặp vợ chồng trẻ trong thôn cũng đang chuẩn bị đất, cây giống để chuyển sang trồng cam, quýt, bưởi...

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: Chính quyền địa phương đang khuyến khích nhân dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những vườn tạp, vườn cà phê kém hiệu quả sang trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi da xanh... có hiệu quả kinh tế cao. Xã sẽ tạo điều kiện cho các hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, giống cây trồng và tìm đầu ra ổn định nhằm nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Vàng A Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.