Multimedia Đọc Báo in

Khấm khá từ trồng rau xanh

09:27, 06/11/2019

Như nhiều hộ dân khác ở địa phương, những năm trước đây, gia đình chị Lục Thị Reo (dân tộc Tày, ở thôn 3, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) chủ yếu trồng ngô, đậu.

Tuy nhiên, do diện tích đất không nhiều, đất lại xấu và trũng, năng suất cây trồng đạt thấp, giá cả bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao. Trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình, năm 2006 chị Reo bàn bạc với chồng mạnh dạn cải tạo lại đất chuyển đổi sang trồng rau xanh bởi rau xanh là cây ngắn ngày, dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch và không tốn nhiều diện tích canh tác…

Mới đầu, vợ chồng chị Reo chỉ chuyển đổi 1.000 m2 đất sang trồng rau xanh các loại, vừa trồng vừa tìm thị trường tiêu thụ. Không ngờ cây rau rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên phát triển xanh tốt. Ngay vụ rau đầu tiên, gia đình chị đã thu lãi hơn nhiều lần so với trồng ngô, đậu… Thấy nhu cầu tiêu dùng rau xanh ngày càng nhiều, vợ chồng chị quyết định chuyển toàn bộ diện tích canh tác của gia đình (gần 4.000 m2) sang trồng rau, trở thành một trong những hộ có diện tích rau xanh lớn nhất ở địa phương.

Chị Lục Thị Reo (bên trái) giới thiệu mô hình trồng rau của gia đình với cán bộ Hội LHPN  xã Cư M’gar.
Chị Lục Thị Reo (bên trái) giới thiệu mô hình trồng rau của gia đình với cán bộ Hội LHPN xã Cư M’gar.

Hiện tại, gia đình chị đang trồng các loại như: dưa leo, khổ qua, cà tím, bầu, mướp, đậu cô ve… là các loại rau củ có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Các loại rau được canh tác hợp lý, tùy theo nhu cầu của thị trường mà đưa vào trồng nhiều hay ít, đồng thời các loại rau được chị luân phiên trồng tại các thửa đất nhằm cải tạo, tăng độ tơi xốp cho đất, hạn chế các loại cỏ dại và dịch hại gây bệnh.

Chị Reo chia sẻ: “Nếu trồng một loại rau trên một diện tích thì đất sẽ rất nhanh bạc màu và tiềm ẩn sâu bệnh rất lớn. Vì vậy, gia đình tôi luân phiên các loại cây với nhau để cải thiện đất, như: vụ này trồng dưa leo thì vụ sau trồng khổ qua, hay cà tím, ớt…”.

Bên cạnh đó, vợ chồng chị Reo còn chủ động tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức để áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình. Nhờ vậy, vườn rau của gia đình chị luôn phát triển xanh tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng cao. Bình quân mỗi năm gia đình chị xuất bán ra thị trường trên 20 tấn rau xanh các loại, thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm (cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, đậu như trước đây)… Thu nhập ổn định, đời sống của gia đình chị ngày càng được cải thiện, mua thêm đất xây dựng nhà mới, sắm sửa các phương tiện sinh hoạt đắt tiền và có điều kiện lo cho con cái học hành.

Chị Reo cắt mướp bán cho khách.
Chị Reo cắt mướp bán cho khách.

Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, chị Reo còn chia sẻ kinh nghiệm trồng rau của mình với bà con trong xóm cùng làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.