Multimedia Đọc Báo in

Mô hình trồng rau trong nhà lưới: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng

10:13, 05/11/2019

Ở vùng sản xuất rau tập trung tại tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) hiện nay chỉ còn vườn rau của gia đình anh Lê Văn Huấn (thành viên Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Thuận Hòa) vẫn duy trì mô hình trồng rau trong nhà lưới.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau an toàn Thuận Hòa là đơn vị tiên phong ở TP. Buôn Ma Thuột được Dự án cạnh tranh nông nghiệp của Sở NN-PTNT cấp chứng nhận rau VietGAP trên diện tích 10.000 m2 và nhân rộng lên gần 80.000 m2 từ năm 2012. Dự án đã hỗ trợ cho HTX hai mô hình nhà lưới kết hợp tưới phun mưa trên rau ăn lá; tổ chức tham quan học tập mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt. Từ đó, bà con nông dân sản xuất rau đã tự nhân rộng lên 8 nhà lưới với diện tích 1,5 ha (kinh phí ước tính 225 triệu đồng). Tuy nhiên, sau 7 năm, hiện nay một số nhà lưới trồng rau chỉ còn lại bộ khung vì lưới bao quanh đã bị mưa gió làm tơi tả và không được tiếp tục sửa chữa.

Nhà lưới trồng rau thường được cấu tạo bằng kết cấu khung và lưới bao xung quanh, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với nhà kính, phù hợp với vùng chuyên canh các loại rau thông thường của các hộ chỉ có diện tích một vài sào như địa bàn Buôn Ma Thuột. Loại nhà lưới này có các lỗ nhỏ li ti, ngoài việc dễ lưu thông không khí, phù hợp với mùa gió Tây Nguyên thì còn là điều kiện để cây rau sinh trưởng phát triển tốt.

Rau trồng trong nhà lưới của gia đình anh Lê Văn Huấn.
Rau trồng trong nhà lưới của gia đình anh Lê Văn Huấn.

Theo anh Lê Văn Huấn, các loại rau ăn lá sản xuất trong nhà lưới sinh trưởng nhanh nên có thể tăng thêm vụ trong năm, giảm được lượng nước tưới, giảm lượng phân bón; rau ít bị sâu bệnh hơn, hấp thu dinh dưỡng nhiều hơn, nhất là lượng đạm, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lớp lưới phủ quanh cũng hạn chế được một số pha của côn trùng sâu hại (nhất là pha trưởng thành) vào đẻ trứng, nở sâu non gây hại, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì cũng có một số nguyên nhân cơ bản khiến nhà lưới trồng rau khó nhân rộng. Anh Dương Văn Hiền, thành viên HTX Sản xuất rau an toàn Thuận Hòa cho biết, với mùa gió Tây Nguyên, màng lưới phủ quanh khung sắt bị tác động mạnh nên chỉ sau 2 - 3 năm xây dựng buộc phải thay lưới một lần hoặc phải chắp vá lưới để tận dụng, rất tốn công sức và tiền mua lưới mới.

So sánh giữa mô hình trồng rau trong nhà lưới với trồng rau không sử dụng nhà lưới (đồng nghĩa với việc phải sử dụng thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho rau…) thì hiệu quả kinh tế cũng như nhau. Số lượng rau tiêu thụ tăng lên, nhiều tiểu thương kinh doanh đến đặt hàng thu mua không phân biệt rau trong nhà lưới và ngoài nhà lưới nên giá bán rau cũng không khác nhau. Từ thực tế đó, các nhà lưới trồng rau cứ giảm dần. Khi các nhà lưới liền kề dỡ bỏ thì những khu nhà lưới còn lại bị gió tác động mạnh hơn, thời gian hư hỏng nhanh hơn, đầu tư nhiều hơn khiến ngày càng nhiều hộ không thiết tha với trồng rau trong nhà lưới.

Anh Dương Văn Hiền tận dụng bộ khung còn lại của nhà lưới để làm giàn leo cho một số loại rau lấy quả.
Anh Dương Văn Hiền tận dụng bộ khung còn lại của nhà lưới để làm giàn leo cho một số loại rau lấy quả.

Một số hộ nông dân từng sản xuất rau trong nhà lưới cho rằng nếu xây dựng nhà lưới trồng rau thì phải phát triển đồng bộ, tập trung, các nhà lưới làm chỗ dựa cho nhau trong mùa gió, như vậy mới hạn chế hư hại do tác động của gió. Một điều quan trọng là các tiểu thương khi thu mua rau tại vườn phải lựa chọn, phân loại chất lượng các loại rau để bảo đảm giá trị cho rau sản xuất trong nhà lưới. Thương hiệu của sản phẩm rau chất lượng phải được thị trường công nhận để gia tăng giá trị cây rau và tăng hiệu quả kinh tế.

Một điều quan trọng nữa là người tiêu dùng cần quan tâm hơn về chất lượng rau để tạo điều kiện cho rau “có nguồn gốc chất lượng” phát triển. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên môn để người sản xuất rau chuyên canh luôn cập nhật được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu về chất lượng cho cộng đồng.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Đắk Lắk - Mảnh đất níu chân người
Với những kiến tạo địa chất phức tạp, trải qua hàng triệu năm phong hóa, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên Đắk Lắk một hệ sinh thái đa dạng, phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, vùng đất trù phú, là quê hương, nơi định cư lâu đời của nhiều dân tộc bản địa và hiện tại cũng là miền “đất hứa” với rất nhiều người…