Multimedia Đọc Báo in

Nông dân M'Đrắk linh động chuyển đổi vật nuôi

09:56, 04/11/2019

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ dân ở huyện M’Đrắk đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi khác để duy trì sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

Gia đình bà Trương Thị Hường ở tổ dân phố 3 (thị trấn M’Đrắk) là hộ nông dân sản xuất giỏi ở địa phương với mô hình chăn nuôi heo. Tuy nhiên, sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, gia đình bà Hường đã sửa lại chuồng trại chuyển đổi sang nuôi gà, cá. Theo bà Hường, mặc dù mới nuôi thử nghiệm với quy mô nhỏ để tích lũy kinh nghiệm, hạn chế rủi ro nhưng bà hy vọng việc chuyển đổi này sẽ giúp gia đình có thêm khoản thu nhập.

Tương tự, sau khi đã nắm vững kỹ thuật và chọn được nơi cung cấp con giống uy tín, anh Vũ Đức Kết ở thôn 10 (xã Ea Pil) đã thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn với tổng đàn hơn 1.500 con. Anh Kết chia sẻ: “Vật nuôi nào cũng có dịch bệnh nhưng so với heo thì các dịch bệnh trên gà dễ phòng hơn. Dự kiến đến sát Tết, gia đình tôi sẽ xuất chuồng khoảng 3 tấn thịt gà với giá từ 50.000 – 53.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi gần 170 triệu đồng”.

Bà Trương Thị Hường (tổ dân phố 3, thị trấn M’Đrắk) đang chăm sóc đàn gà để bán trong dịp Tết.
Bà Trương Thị Hường (tổ dân phố 3, thị trấn M’Đrắk) đang chăm sóc đàn gà để bán trong dịp Tết.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có 17 ổ dịch tả heo châu Phi xảy ra ở thị trấn M’Đrắk và các xã Cư San, Cư Mta, Cư Króa, Krông Jing, Krông Á với tổng số heo mắc bệnh phải tiêu hủy 4.500 con. Để bảo vệ tốt đàn heo cũng như giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật tuyên truyền, khuyến cáo các trang trại, hộ chăn nuôi ở vùng heo chưa bị dịch thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học để nâng cao sức đề kháng cho đàn heo. Những hộ ở vùng dịch có heo bị tiêu hủy thì chuyển đổi sang nuôi con khác nhằm duy trì sản xuất, tạo nguồn thu tạm thời, chờ hết dịch bệnh mới tiếp tục tái đàn.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk thăm mô hình chăn nuôi của anh Vũ Đức Kết (bìa phải) ở thôn 10, xã Ea Pil .
Cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk thăm mô hình chăn nuôi của anh Vũ Đức Kết (bìa phải) ở thôn 10, xã Ea Pil.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cũng khuyến cáo: Việc chuyển dần sang các loại vật nuôi khác không nên thực hiện một cách ồ ạt mà cần phải xây dựng lại các chuỗi cung ứng để không bị thừa hàng và bán được giá cao hơn. Đặc biệt, chăn nuôi để bán vào dịp Tết phải trải qua thời kỳ chuyển mùa, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát. Vì vậy, để đàn vật nuôi phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, người chăn nuôi phải chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y; mua con giống ở các trại giống uy tín; vệ sinh chuồng trại, tiêu độc sát trùng môi trường ít nhất 1 lần/tuần; tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất cho vật nuôi…

Toàn huyện M’Đrắk có gần 572.000 con gia cầm (tăng hơn 62.000 con so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 20.400 con trâu, bò (tăng khoảng 1.400 con) và 51.000 con heo (giảm hơn 2.000 con) tập trung chủ yếu ở các xã Ea Pil, Ea Riêng, Krông Á và Ea Lai.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.