Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất trái cây sấy từ lợi thế địa phương

14:03, 25/11/2019

Đầu tư hàng tỷ đồng trang bị máy móc chế biến t­rái cây, rau củ theo hình thức sấy khô, cơ sở sản xuất Thành Nam đã tận dụng tốt nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.

Làm nghề thu mua các mặt hàng nông sản nhiều năm qua tại huyện Ea H’leo, chị Nguyễn Thị Liễu (tổ dân phố 14, thị trấn Ea Đrăng) nhiều lần “bị” nông dân mang chuối, mít, mãng cầu… đến nhà cho không vì bán chẳng ai mua.

Đa số người dân trong vùng có diện tích đất sản xuất rộng nên thường trồng xen nhiều loại cây ăn trái để cải thiện kinh tế. Nhờ đất đai màu mỡ, các loại trái cây, rau củ đều có chất lượng tốt, hương vị thơm ngon mà không cần chăm bón, tác động nhiều trong quá trình canh tác.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn của các mặt hàng rau quả tươi đều có thời gian bảo quản ngắn, dễ hư hỏng; chi phí vận chuyển cao. Bên cạnh đó, các loại quả tươi như chuối, mãng cầu… lại chỉ được tiêu thụ mạnh tại địa phương vào các dịp rằm, cuối tháng âm lịch, những ngày còn lại giá rất rẻ, thậm chí không có người mua.

Các lao động nữ sơ chế rau, củ tại cơ sở Thành Nam.
Các lao động nữ sơ chế rau, củ tại cơ sở Thành Nam.
Mỗi ngày, cơ sở Thành Nam sản xuất 300 kg sản phẩm rau, củ, quả sấy phục vụ thị trường và tạo việc làm thường xuyên cho 10 công nhân với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở cũng giúp nhiều phụ nữ trong vùng cải thiện thu nhập với các công việc thời vụ vào mùa cao điểm sản xuất.

Từ đó, chị Liễu bắt đầu nuôi ý định đầu tư sản xuất trái cây sấy, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương cũng như giúp bà con nông dân có đầu ra ổn định hơn cho các mặt hàng trái cây tươi. Lúc này, tại địa phương chưa có mô hình sấy trái cây tươi nên chị phải sang tỉnh Lâm Đồng học hỏi các mô hình đã thành công tại đây. Khi nắm vững kỹ thuật và công nghệ, chị vận động người thân cùng bỏ vốn để hợp tác đầu tư sản xuất cũng như xây dựng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làm ra.

Đầu năm 2019, cơ sở sản xuất Thành Nam do chị Liễu làm chủ hộ kinh doanh bắt đầu đi vào hoạt động với 4 máy sấy thực phẩm, 2 máy sơ chế rau củ, 1 hệ thống chiên chân không và ly tâm tách dầu. Các loại trái cây, rau củ được sấy theo 2 hình thức là sấy giòn và sấy dẻo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng về thức ăn tiện lợi, trà thực dưỡng, quà biếu…

Chị Nguyễn Thị Liễu kiểm tra một mẻ hoa đu đủ sấy.
Chị Nguyễn Thị Liễu kiểm tra một mẻ hoa đu đủ sấy.

Ngoài sản phẩm chủ lực là chuối, mít, khoai lang sấy, cơ sở Thành Nam còn sản xuất thêm măng khô, trà hoa đu đủ, trà mãng cầu, trà gạo lứt đậu đen… Nguồn nguyên liệu để sản xuất được chị Liễu thu mua từ người dân trong vùng với giá ổn định. Các loại trái cây đều được để chín tự nhiên, độ chín vừa đủ để thành phẩm sau khi sấy có màu sắc đẹp, hương vị đậm đà. Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn trái cây, nông sản sẵn có tại địa phương đã giúp sản phẩm của cơ sở Thành Nam có giá bán cạnh tranh, được nhiều khách hàng sỉ đặt hàng cung ứng số lượng lớn.

Hiện tại, các sản phẩm trái cây, nông sản sấy của cơ sở Thành Nam được quảng bá, chào bán rộng rãi trên mạng xã hội và các cửa hàng thực phẩm, tạp hóa trong và ngoài tỉnh. Chị Liễu chia sẻ, ngoài việc thu mua của bà con trong vùng, cơ sở của chị đang đầu tư 15 ha trồng chuối và khoai lang để chủ động nguồn nguyên liệu. Chị và các thành viên góp vốn cũng đang tiến hành đăng ký thành lập hợp tác xã để tiếp tục mở rộng liên kết ổn định với nông dân trong vùng và xây dựng chuỗi sản xuất cho các sản phẩm nông sản của địa phương.

Bảo Bình

 


Ý kiến bạn đọc