Multimedia Đọc Báo in

Sinh kế bền vững từ mô hình nông lâm kết hợp

08:38, 13/11/2019

Trước tình trạng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, nạn phá rừng vẫn còn nhiều thách thức thì các mô hình nông lâm kết hợp đang được triển khai tại huyện Krông Bông được xem là giải pháp cơ bản để gắn sinh kế người dân với phục hồi cảnh quan rừng.

Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, toàn huyện có hơn 40.000 ha đất đang canh tác các loại cây công nghiệp, cây lương thực, hoa màu, cây ăn quả… Trong đó, nhiều diện tích có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp hoặc vùng chồng lấn giữa đất canh tác của người dân với đất rừng. Những năm qua, mặc dù huyện đã nỗ lực hỗ trợ bà con tiếp cận khoa học, kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, song hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích còn thấp. Nguyên nhân chính là do đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, bão lụt, sâu bệnh hại.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới giới thiệu về mô hình trồng xen cây rừng bản địa tại huyện Krông Bông.
Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới giới thiệu về mô hình trồng xen cây rừng bản địa tại huyện Krông Bông.

Nhằm tìm phương án phục hồi cảnh quan rừng lưu vực sông Sêrêpốk gắn với sinh kế người dân, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) đã phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện nghiên cứu tại huyện Krông Bông và Lắk trong 2 năm 2017 và 2018. Dựa vào kết quả nghiên cứu này, năm 2019, Tropenbos Việt Nam phối hợp với UBND huyện Krông Bông và Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin xây dựng 2 mô hình trồng cây rừng trên đất lâm nghiệp hiện đang canh tác nông nghiệp với diện tích 49 ha. Người dân được tập huấn kiến thức trồng xen các loại cây rừng bản địa có giá trị kinh tế cao như: gáo vàng, sưa đỏ, trắc, giáng hương, cà te, cẩm lai… với các loại cây trồng sẵn có hoặc trồng tại bờ biên, đường ranh, trồng thành từng khoanh. Qua đó, 42 hộ dân tại các xã: Hòa Phong, Hòa Lễ, Khuê Ngọc Điền đã trồng gần 40.000 cây rừng trên diện tích hơn 90 ha đất đang sản xuất nông nghiệp. Sau hơn 1 tháng xuống giống, cây rừng thích nghi và sinh trưởng khá tốt với tỷ lệ sống đạt trên 85%, đã phát triển thêm 1-2 cặp lá.

Là một trong số các hộ tham gia mô hình, anh Đặng Văn Thịnh (thôn 1, xã Hòa Phong) đã trồng 4,5 ha gáo vàng trên diện tích vừa khai thác keo lai. Trước đây, anh đã tự mày mò, nghiên cứu trên Internet và nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây này cao hơn nhiều so với việc trồng keo lai. Với mỗi chu kỳ sinh trưởng từ 6 – 8 năm, cây gáo vàng có thể cho thu nhập 600 – 800 triệu đồng/ha. Nhờ được tham gia các buổi hội thảo, tập huấn của Tropenbos, anh được giải đáp nhiều thắc mắc và tiếp cận sâu hơn về cách thức trồng, chăm sóc cũng như thị trường tiêu thụ cho loại cây này nên mạnh dạn đăng ký tham gia. Nếu mô hình thử nghiệm thành công, anh sẽ tiếp tục nhân rộng và hướng dẫn bà con trong vùng cùng thực hiện. Còn anh Trần Văn Tuấn (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) đã trồng xen nhiều loại cây rừng bản địa do Tropenbos hỗ trợ trên diện tích 1,8 ha. Dự tính, khi các loại cây rừng phát triển ổn định, anh sẽ tự nghiên cứu đưa các loại cây dược liệu bản địa trong rừng Chư Yang Sin về nhân giống dưới tán rừng trồng của gia đình.

Anh Trần Văn Tuấn giới thiệu về ý tưởng trồng cây gỗ lớn để tạo môi trường nhân giống cây dược liệu có nguồn gốc từ rừng Chư Yang Sin.
Anh Trần Văn Tuấn giới thiệu về ý tưởng trồng cây gỗ lớn để tạo môi trường nhân giống cây dược liệu có nguồn gốc từ rừng Chư Yang Sin.

Có thể thấy, đầu ra cho cây lâm nghiệp hiện nay rất rộng, nhất là trong điều kiện nguồn gỗ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt. Với các loại gỗ thông thường như gáo vàng, giá thu mua tại nhiều địa phương đang ở mức trên 2 triệu đồng/m3. Còn đối với các loại gỗ nhóm IIA như cẩm lai, giáng hương, trắc, sưa… tuy thời gian sinh trưởng chậm hơn, song giá trị về gỗ rất cao, gấp hàng chục lần cây gáo vàng. Nếu muốn thu hoạch sớm, người dân có thể bán dưới dạng cây di thực để trồng làm cảnh quan tại các khu dân cư, khu đô thị, đường giao thông… Bên cạnh đó, nhờ cách thức trồng xen canh hợp lý với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa màu, người dân vẫn được đảm bảo thu nhập hằng năm vì cây rừng không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của các loại cây khác và hầu như không tốn công chăm sóc.

Theo ông Lê Văn Lân, Điều phối viên Tropenbos Việt Nam, việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các chủ thể xảy ra ở hầu hết các diện tích rừng, các loại rừng, cả ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tình trạng mất rừng, suy thoái rừng xảy ra trên diện rộng. Đất trống, đồi trọc cũng tăng lên hằng năm khiến tình trạng thoái hóa đất, suy giảm nguồn nước và biến đổi khí hậu ngày càng tác động lớn đến đời sống của người dân. Tín hiệu đáng mừng qua các nghiên cứu của Tropenbos là vùng lưu vực sông Sêrêpốk có nhiều cơ hội phục hồi lại cảnh quan rừng gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng, tiêu biểu là các mô hình nông lâm kết hợp sử dụng các cây rừng bản địa có giá trị kinh tế cao. Những mô hình này cần được các cấp, các ngành quan tâm, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật để người dân nhân rộng, góp phần vào việc phát triển kinh tế gắn với việc tăng độ che phủ của thảm thực vật bản địa, cải thiện cảnh quan, môi trường.

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh có 721.904,6 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng hiện chỉ đạt 38,46%. Riêng rừng tự nhiên có 457.643 ha, song rất nhiều diện tích có chất lượng thấp, cây rừng thưa thớt đến mức chỉ bị chặt hạ một vài cây cũng không đủ tiêu chí thành rừng.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.