Thu nhập ổn định nhờ làm bánh lá gai
Từ những nguyên liệu tự nhiên có sẵn ở địa phương như: lá gai, lá chuối, bột nếp, dừa... nhiều người dân phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ) đã làm ra những chiếc bánh lá gai thơm ngon.
Sản phẩm bánh lá gai được nhiều người dân làm và bán nhiều năm nay, nhưng phát triển nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương nên hiệu quả kinh tế thấp. Để nâng cao chất lượng và đầu ra ổn định cho sản phẩm, năm 2016, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã vận động Hội Phụ nữ phường Bình Tân thành lập tổ hợp tác (THT) làm bánh lá gai, có 3 hội viên tham gia. Sau khi thành lập, THT đã được vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội và 2 triệu đồng từ vốn hỗ trợ hội viên khởi nghiệp của Hội Phụ nữ phường để đầu tư máy móc, dụng cụ phát triển nghề làm bánh.
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Nga (tổ dân phố 5, Tổ trưởng tổ hợp tác) chủ yếu phát triển kinh tế bằng nghề làm bánh tráng, công việc vất vả mà thu nhập không cao. Vào các dịp lễ, tết bà Nga thường làm bánh lá gai để gia đình thưởng thức và gửi tặng người thân. Nhiều người được nếm thử bánh của bà làm đều khen ngợi và giới thiệu cho bạn bè đặt mua. Nhận thấy thu nhập từ loại bánh này khá ổn, năm 2014, bà Nga đã quyết định chuyển sang làm bánh lá gai. Bà tận dụng những khoảng đất trống trong 1 ha tiêu, cà phê của gia đình để trồng xen lá gai, tạo nguồn nguyên liệu làm bánh. Từ khi tham gia vào THT, vợ chồng bà có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định hơn.
Các thành viên trong THT thực hiện công đoạn gói bánh. |
Làm bánh lá gai trở thành công việc mang lại thu nhập chính cho các thành viên. Hằng ngày các thành viên tập trung tại nhà bà Nga, phân chia công việc cho nhau để hoàn thành số lượng bánh được khách đặt trong ngày và chuẩn bị nguyên liệu sẵn sàng cho ngày hôm sau. Ngoài làm bánh lá gai nhân dừa và nhận đậu xanh, THT còn làm thêm bánh ít nhân mặn để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân (tổ dân phố 3, thành viên THT) cho biết, nghề làm bánh lá gai không vất vả nhưng các công đoạn phải được đảm bảo đúng quy trình và tỉ mỉ nên mất nhiều thời gian. Lá gai là nguyên liệu không thể thiếu, nhưng vào mùa khô (tháng 12 đến tháng 4 năm sau) lá gai khan hiếm hơn nên THT thường thu mua và phơi khô dự trữ, để luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu làm bánh, phục vụ khách hàng.
Đầu năm 2019, bánh lá gai của THT đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp sản phẩm ngày càng được khách hàng tin dùng. Bên cạnh đó, THT còn là nơi thu mua lá chuối, lá gai cho nhiều hộ, giúp người dân tận dụng đất trống có thêm thu nhập.
Chị Đậu Thị Thanh Trúc, Chủ tịch Hội LHPN phường Bình Tân cho biết, ngoài hỗ trợ về vốn, Hội đã tạo điều kiện đưa sản phẩm tham gia ngày hội khởi nghiệp của thị xã và tỉnh, giới thiệu thông qua Internet... Qua đó, sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng, tạo việc làm thường xuyên và mang lại thu nhập ổn định cho hội viên. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia vào THT và mở rộng diện tích trồng lá làm bánh, từng bước tạo thương hiệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Đến nay, THT đã có lượng khách hàng ổn định, sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh như: Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Sài Gòn... Trung bình một ngày THT bán được 1.000 - 2.000 cái bánh, với giá 2 nghìn đồng/cái. Nhờ đó, các thành viên có thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm cho 5 hội viên khác, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. |
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc