Đặc sản lúa đen ở vùng biên Ea Súp
Không giống với các loại lúa nước, lúa lai ngắn ngày, đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, cây lúa đen ở vùng biên Ea Súp chỉ dựa vào nguồn nước mưa, bám rễ trên đất cằn mà tạo nên gạo thơm, cơm dẻo.
Cây lúa đen có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc, được bà con người dân tộc Thái mang theo hành trình di cư của mình đến vùng biên Ea Súp. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng dài, lên đến 6 tháng. Trong điều kiện vùng biên khắc nghiệt, cây lúa đen chỉ sản xuất được 1 vụ/năm, hoàn toàn phụ thuộc vào “nước trời”. Cứ đầu mùa mưa gieo hạt, đến cuối mùa mưa, bà con lại gặt mang về phơi phóng, tích trữ trong gia đình.
Người dân thôn Đóng (xã Ia Lốp) gặt lúa đen bằng liềm theo cách truyền thống. |
Có kinh nghiệm hơn 10 năm canh tác lúa đen, ông Lương Văn Yêu (thôn Đóng, xã Ia Lốp) cho hay, khi ở quê, đất đai nhỏ hẹp, đồi dốc nên người Thái phải dùng cách chọc lỗ rồi mới bỏ từng hạt giống xuống. Còn ở Ea Súp đất rộng lại bằng phẳng nên hầu hết bà con đều sử dụng máy cày để xới đất, rải hạt lúa khô lên bề mặt rồi phay (cày lại) cho hạt lúa vùi sâu, tránh chim chóc phá hoại. Đến vụ thu hoạch, bà con cũng thuê máy gặt đập liên hợp để tiết kiệm công lao động. Chỉ những nhà có diện tích canh tác ít hoặc lúa mất mùa mới phải dùng liềm gặt từng bông lúa mang về.
Ưu thế vượt trội của cây lúa đen là khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn hán rất cao. Từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch, bà con hầu như không tác động nhiều, chủ yếu là diệt trừ cỏ dại khi lúa còn nhỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Trong điều kiện lượng mưa phân bố đều, đất đủ ẩm, cây lúa có thể cao quá đầu người, lên đến 1,8 m. Thân lúa cứng, khỏe, ít bị đổ ngã. Toàn bộ thân, lá lúa đều có màu xanh. Chỉ đến khi trổ đòng, bông lúa màu đen mới xuất hiện và giữ màu sắc này cho đến khi lúa chín.
Diện tích lúa đen canh tác theo phương pháp hữu cơ của HTX Giảm nghèo Ea Súp. |
Huyện Ea Súp đang triển khai Đề tài khoa học “Gìn giữ, bảo tồn và phát triển cây lúa đen của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện” nhằm khuyến cáo, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đưa gạo lúa đen thành một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương".
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp
|
Năng suất cao nhất của lúa đen chỉ hơn 3 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với các giống lúa cạn khác. Dù vậy, hầu như gia đình người Thái nào ở thôn Đóng, thôn Lầu Nàng (xã Ia Lốp) cũng dành riêng một vài héc-ta đất trồng lúa đen để phục vụ gia đình. Bà Lê Thị Lan (thôn Đóng) cho biết, bà con người Thái nơi đây rất thích ăn gạo xát từ lúa đen vì cơm mềm dẻo, vị ngọt và thơm nhẹ. Sau vụ thu hoạch, bà thường làm mâm cơm cúng tạ tổ tiên với lễ vật tùy điều kiện từng năm song không thể thiếu bát cơm nấu từ lúa đen.
Qua thống kê của ngành nông nghiệp huyện Ea Súp, cây lúa đen được bà con người Thái trồng chủ yếu tại xã Ya Tờ Mốt và xã Ia Lốp với tổng diện tích gần 100 ha. Những năm gần đây, lúa đen được nhiều người biết đến và sẵn sàng mua với giá cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với giá lúa thông thường. Nhiều đơn vị cũng quan tâm, phát triển cây lúa đen thành một loại hàng hóa đặc sản, trong đó có Hợp tác xã (HTX) Giảm nghèo Ea Súp.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp cho biết, năm 2019, HTX đã thuê 10 ha đất tại thôn 13, xã Ya Tờ Mốt để canh tác lúa đen theo phương pháp hữu cơ. Nhờ đặc tính sinh trưởng mạnh, kháng sâu bệnh tốt nên quy trình canh tác cây lúa đen không hề có sự can thiệp của bất cứ loại thuốc hóa học, phân bón, thậm chí kể cả chế phẩm sinh học nào. Nhờ đó, những người tiêu dùng khó tính có thể yên tâm ngay từ khi lựa chọn loại gạo này cho nhu cầu của gia đình.
Bên cạnh đó, loại lúa này cũng đón đầu xu hướng sử dụng gạo dài ngày, nâng giá trị kinh tế của hạt gạo. HTX đã được cấp chứng nhận ISO cho gạo lúa đen vào tháng 7-2019. Đây được xem là tiền đề để HTX từng bước mở rộng vùng sản xuất, đưa hạt gạo đặc sản ở vùng biên tiếp cận phân khúc hàng hóa chất lượng cao ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc