Liên kết chăn nuôi dê: Hướng phát triển kinh tế hiệu quả
Nhận thấy tiềm năng phát triển của nghề chăn nuôi cũng như để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tại một số địa phương trên địa bàn, thị xã Buôn Hồ đã xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi dê theo hướng bền vững.
Tổ hợp tác nuôi dê thịt xã Ea Siên được thành lập từ cuối năm 2018 với 10 thành viên. Để tạo điều kiện cho các thành viên phát triển kinh tế từ mô hình này, thị xã Buôn Hồ đã hỗ trợ 70% kinh phí (khoảng 18 triệu đồng) cho mỗi hộ mua 10 con dê giống; hỗ trợ người dân về vắc xin phòng bệnh, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi; đặc biệt UBND thị xã đã liên kết với một đơn vị giết mổ gia súc ở địa phương bao tiêu đầu ra cho các hộ dân.
Gia đình chị Ngô Thị Hà, Tổ trưởng Tổ hợp tác (thôn 2B, xã Ea Siên) nuôi dê thịt từ khoảng 3 năm nay, ban đầu chỉ nuôi vài con vì chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc cũng như thiếu vốn mua con giống. Đến cuối năm 2018, khi Tổ hợp tác nuôi dê thịt hình thành và được UBND thị xã hỗ trợ vốn 18 triệu đồng, gia đình đối ứng thêm 8 triệu đồng để mua 10 con dê giống, đến nay sau gần 1 năm đàn dê đã phát triển lên đến 30 con. Theo chị Hòa, chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định mà không quá vất vả do loài vật này có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; thức ăn thì có thể tận dụng được các loại lá cây hái trong nương rẫy. Tuy nhiên, muốn phát triển đàn dê cần phải nuôi theo hình thức nhốt chuồng, không thả rông để tránh lây lan dịch bệnh; định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê. Trong năm nay, chị đã bán được 11 con dê thịt với tổng số tiền thu được trên 28 triệu đồng và đang chuẩn bị xuất bán thêm khoảng 20 con.
Chị Ngô Thị Hà (thôn 2B, xã Ea Siên) chăm sóc đàn dê chuẩn bị xuất bán. |
Gia đình chị Đặng Thị Hòa (thôn 2B) cũng tham gia vào tổ hợp tác để phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi dê. Chị Hòa chia sẻ, mỗi năm một con dê có thể sinh sản từ 1- 2 lứa, mỗi lứa được 2 con thì với 10 con dê sinh sản, trung bình mỗi hộ có nguồn thu nhập từ 70-100 triệu đồng. Như gia đình chị, năm nay đã xuất bán được 20 con với số tiền hơn 50 triệu đồng, dự tính đến cuối năm sẽ có lứa dê mới để bán ra thị trường. Điều đáng mừng hơn nữa là khi tham gia vào tổ hợp tác, các hộ chăn nuôi dê được hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cũng như cách phòng, trị bệnh cho đàn dê. Cùng với đó, gia đình chị và các hộ chăn nuôi khác không còn lo việc tiêu thụ sản phẩm bị thương lái ép giá.
Tương tự, Tổ hợp tác dịch vụ - sản xuất chăn nuôi dê sinh sản Dũng Lộc (xã Ea Drông) khi thành lập vào cuối năm 2017 với 6 tổ viên cũng được Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ hỗ trợ mỗi người 6 con dê giống để phát triển sản xuất. Đến nay, tổ hợp tác đã thu hút được 15 hộ dân tham gia liên kết chăn nuôi dê sinh sản, nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình này như hộ bà Hồ Thị Sáu từ cuối năm 2017 đến nay đã xuất bán được trên 50 con dê với tổng số tiền gần 130 triệu đồng.
Các thành viên trong Tổ hợp tác nuôi dê thịt xã Ea Siên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi dê. |
Theo ông Hồ Duy Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Drông, việc phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết tiêu thụ mà hơn thế nữa còn khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tiến đến xây dựng thương hiệu sản phẩm có giá trị, lợi thế cho địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Có thể thấy, mô hình nuôi dê sinh sản hứa hẹn nhiều triển vọng giúp người dân các vùng nông thôn phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ, đến cuối tháng 9 - 2019, tổng số lượng đàn dê trên địa bàn thị xã có trên 3.238 con, tăng hơn 300 con so với cuối năm 2018. Cùng với sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương, mô hình liên kết sản xuất, chăn nuôi dê sinh sản đang dần trở thành hướng phát triển kinh tế có hiệu quả của nhiều hộ dân ở đây. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc