Quản lý thông minh nguồn nước lưu vực Mê Công
Tại hội nghị toàn thể lần thứ hai năm 2019 của Ủy ban sông Mekong Việt Nam vừa diễn ra tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) vào đầu tháng 12-2019, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến chiến lược sử dụng nước sông Mê Công của một số quốc gia trong khu vực.
Mê Công là một con sông liên quốc gia, là con sông lớn nhất ở Đông Nam châu Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc, chảy qua lãnh thổ của 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam; có chiều dài dòng chính là 4.880 km, diện tích lưu vực 795 nghìn km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3. Vì thế các nước có dòng sông chảy qua, đặc biệt là vùng nằm trong lưu vực sông đều có mối liên quan và chịu sự tác động nhiều mặt của nó, trong đó có việc sử dụng nguồn nước sông.
Tây Nguyên có tiềm năng thủy điện từ nhiều dòng sông thuộc lưu vực sông Mê Công |
Các nước trên thế giới đã nhất trí nguyên tắc quản lý và khai thác nguồn nước không thể theo địa giới lãnh thổ, địa giới hành chính mà phải theo lưu vực sông. Nguồn nước phải được khai thác và quản lý từ đầu nguồn đến cuối nguồn. Với nguyên tắc cơ bản đó, nguồn nước trên lưu vực Mê Công dù thuộc nước nào nhưng vẫn phải được khai thác và quản lý chung theo hình thức hợp tác của tất cả các nước trong lưu vực sông này. Trên cơ sở tất cả các nước trong lưu vực Mê Công cùng tham gia vào một tổ chức, việc chia sẻ thông tin về nguồn nước và các vấn đề liên quan sẽ trở nên hiệu quả hơn, từng bước thực hiện quản lý thông minh nguồn nước.
Theo các chuyên gia, quản lý nước thông minh đối với lưu vực Mê Công thực chất là một quá trình sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông cùng các phương tiện khác để có được sự phối hợp có hiệu quả và hiệu lực việc quản lý, phát triển và bảo vệ nguồn nước và các hệ sinh thái dưới nước nhằm cải thiện các lợi ích sinh thái và kinh tế một cách công bằng mà không ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ sinh thái phụ thuộc và quyền lợi của các nước thành viên.
Quản lý thông minh nước lưu vực Mê Công là một định hướng chiến lược có khả năng tích hợp và quản lý toàn bộ quá trình của chu trình nước từ việc phân tích các tình huống hiện tại để làm sạch, phân phối, cũng như sử dụng và tái sử dụng tài nguyên nước một cách khoa học và theo hệ thống. Quản lý nước thông minh thời 4.0 cần phải được sớm áp dụng đối với Mê Công, kể cả đối với dòng sông chính và các dòng sông nhánh một cách đồng bộ trên toàn lưu vực.
Các điểm đo mưa, mực nước tự động trên sông sẽ góp phần ứng phó với lũ lụt |
Ủy hội Mê Công hiện tại đang có website (http://www.mrcmekong.org). Tuy nhiên, để giúp cho Ủy hội làm việc có hiệu quả hơn và các nước thành viên trao đổi thông tin thường xuyên và cập nhật thông tin kịp thời hơn, cần phải thiết kế một hệ thống thông tin sao cho các Ủy ban Quốc gia của các nước thành viên có thể truy cập và cập nhật các số liệu, thông tin trong nước mình và của các nước thành viên khác.
Trước mắt, Ban Thư ký của Ủy hội và Ban Thư ký của Ủy ban Quốc gia của các nước thành viên cần trao đổi thông tin qua các email hàng ngày nhằm chia sẻ, tổng hợp dữ liệu, thông tin; thực hiện giao ban trực tuyến hàng tháng, hàng quý nhằm đánh giá chung tình hình trong tháng, trong quý, thảo luận sâu những vấn đề nổi cộm và cùng tìm phương án giải quyết.
Để công tác quản lý nguồn nước Mê Công hiệu quả hơn, cần thiết phải có trạm ra đa và các điểm đo mưa, mực nước tự động dày đặc hơn trên lưu vực. Số liệu quan trắc từ các thiết bị này được truyền lên vệ tinh và từ vệ tinh truyền về các trung tâm trên mặt đất. Ủy hội Mê Công cần xây dựng ngân hàng dữ liệu cập nhật thường xuyên các dữ liệu này để các cơ quan thuộc các nước thành viên có thể truy cập trực tiếp; xây dựng các mô hình toán mưa - dòng chảy, mô hình thủy lực trên từng tiểu lưu vực và trên toàn lưu vực thì các dữ liệu từ các điểm đo sẽ tự động nhập vào các mô hình với thời gian thực để các nhà quản lý và các hộ sử dụng nước được biết. Nếu làm được như vậy, dự báo thủy văn trên các sông nhánh và trên dòng chính sẽ chính xác hơn, đáng tin cậy hơn, thời gian dự kiến sẽ dài hơn. Trên cơ sở các dữ liệu quan trắc tự động được truyền về các trung tâm xử lý thông tin, các hồ chứa sẽ được vận hành một cách tự động và thông minh đáp ứng yêu cầu của nhà quản lý cũng như yêu cầu của các hộ dùng nước.
Có thể nói, quản lý thông minh nước chính là phương tiện, công cụ phục vụ cho cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước có hiệu quả hơn, hiệu lực hơn, thuận tiện hơn, phù hợp với quá trình phát triển của xã hội của các nước thành viên trong lưu vực Mê Công. Khi áp dụng quản lý thông minh nước đối với lưu vực Mê Công sẽ giúp khắc phục đáng kể những thách thức trong khai thác, sử dụng, quản lý nguồn nước hiện tại và tương lai.
Hoa Hồng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc