Multimedia Đọc Báo in

Cận Tết giá bí đỏ xuống thấp: Nông dân thu không đủ chi

20:34, 22/01/2020

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, người dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) lao đao vì bí đỏ rớt giá thê thảm, thu không đủ bù cho các khoản chi phí bỏ ra.

Những tưởng giá bí đỏ dao động từ 4.000 – 5.000 đồng/kg như vụ hè thu trước thì nông dân có thêm một khoản thu nhập để mua sắm Tết. Ai ngờ, càng cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý thì giá bí càng rớt, dao động từ 1.700 – 2.000 đồng/kg, thậm chí thương lái không “mặn mà” với việc mua bán. "Bỏ thì thương, vương thì tội", người trồng bí rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Hiện nay, bí đã già hết, nếu không thu hoạch trước Tết thì toàn bộ bí sẽ bị xộp, khô dần. Do đó, dù giá rẻ, người trồng bí cũng đành ngậm ngùi thuê nhân công và xe vận chuyển để “bán tháo” số bí của gia đình. Do đường đi lại khó khăn, để vận chuyển bí đỏ từ ruộng ra thị trấn Buôn Trấp, cứ mỗi chuyến hàng mất 900 nghìn đồng tiền phí. Chị Quách Thị Mây (thôn 6, xã Bình Hòa) buồn bã cho hay, vụ thu đông này gia đình chị trồng 3 ha bí đỏ thay thế cho một phần diện tích trồng bắp và lúa, chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng/ha (chưa tính công chăm sóc, vận chuyển). Đầu mùa bỏ ra cả trăm triệu đồng, nhẩm tính nếu giá bí ở mức như năm ngoái thì nhà chị có lãi tầm 30 triệu đồng. Ai ngờ, càng về cuối vụ thì giá bí càng rớt thê thảm, đặc biệt những ngày cuối năm, thương lái chả thèm mua hoặc mua cũng chọn lựa rất kỹ chứ không cắt đồng loạt như thời điểm giá cao. Với giá bán 2.000 đồng/kg, thu hoạch hết 3 ha, nhà chị phải bù tiền thuê công cắt, vận chuyển, chưa tính đến ngày công lao động cả gia đình bỏ ra mấy tháng trời chăm sóc.

d
Gia đình chị Quách Thị Mây thu hoạch bí đỏ.   

Tương tự, gia đình chị Vũ Thị Thìn (thôn 6) trồng 1,2 ha bí đỏ thay thế diện tích trồng bắp, khoai vụ thu đông. Tới thời điểm thu hoạch, giá xuống thấp, nhà chị không biết phải liệu thế nào cho hợp lý. Liên hệ với thương lái thì họ bảo chỉ thu mua tại thị trấn Buôn Trấp chứ không thu mua tại ruộng. Ban đầu vợ chồng chị tính để đó chờ giá lên, nhưng càng để lâu nhiều quả bị xốp, thối hư hết. Đặc biệt, những ngày cận kề Tết thì càng khó bán nên gia đình chị đành chấp nhận thuê xe vận chuyển với giá 900 nghìn đồng/chuyến. Theo chị Thìn, với giá bán 2.000 đồng/kg thì thu không thể bù đủ vào chi phí đầu tư, thuê công và vận chuyển. Đó là giá của bí loại 1, chứ bí loại 2, loại 3 thì chỉ bán được tầm 500 đồng/kg cho các hộ chăn nuôi. Cùng trên diện tích này, như năm ngoái, gia đình chị có lãi tầm 10 triệu đồng thì năm nay phải bù lỗ hơn 15 triệu đồng. Ông Lê Như Diệu, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết, vụ thu đông năm 2019, xã Bình Hòa chuyển đổi từ đất trồng lúa, bắp sang trồng bí đỏ khoảng 40 ha. Phần lớn diện tích trồng bí đỏ ở các vùng đất cao, khó chủ động nguồn nước tưới. Vụ này, năng suất bí đạt cao, nhưng giá xuống thấp, khiến người dân gặp khó, làm ra không có người mua, hoặc mua với giá rẻ bèo.

d
Bí đỏ loại 2 tại ruộng gia đình chị Vũ Thị Thìn chỉ bán được giá 500 đồng/kg.

Có thể khẳng định, việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm đất canh tác tại địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên, để hạn chế sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, cung lớn hơn cầu, nên chăng người dân cần sản xuất theo hướng bền vững, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, có hợp đồng cam kết về giá cả cũng như bao tiêu sản phẩm.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.