Multimedia Đọc Báo in

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Krông Ana: Hiệu quả từ phát huy vai trò chủ thể của người dân

07:23, 29/01/2020

Huyện Krông Ana bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Song nhờ có sự nhất trí cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của nhân dân các dân tộc trong huyện, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Krông Ana đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Huyện Krông Ana có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 7 xã, với 36 thôn và 23 buôn khu vực nông thôn thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Năm 2011, khi bước vào thực hiện xây dựng NTM, hầu hết các xã đang còn nhiều khó khăn, qua rà soát đánh giá chỉ có 34 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn NTM, đạt 25,56% so với tổng số tiêu chí toàn huyện, bình quân mỗi xã 4,86 tiêu chí; xã thấp nhất có 1 tiêu chí, xã cao nhất có 9 tiêu chí đạt chuẩn. Khó khăn là vậy, nhưng nhờ sự vào cuộc một cách đồng bộ, nhất quán của cả hệ thống chính trị, cùng với công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đã làm thay đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM ở địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Võ Đại Huế trao Giấy khen của UBND huyện tặng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng ở xã Bình Hòa.
Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Võ Đại Huế trao Giấy khen của UBND huyện tặng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng ở xã Bình Hòa.

Nhằm khơi dậy phong trào xây dựng NTM trong quần chúng nhân dân, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đã đề ra nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự chuyển biến sâu sắc và hưởng ứng nhiệt tình của người dân tham gia xây dựng NTM. Cùng với đó, huyện luôn quán triệt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” nên Chương trình đã được người dân đồng lòng hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào và có nhiều đóng góp thiết thực. Trong giai đoạn 2010 - 2019, huyện Krông Ana đã huy động tổng nguồn kinh phí trên 943 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn huy động và nhân dân đóng góp hơn 131,5 tỷ đồng. Riêng năm 2019, huyện huy động các nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM trên 154 tỷ đồng thì nhân dân trong huyện cũng đóng góp trên 44 tỷ đồng. Đây rõ ràng là nguồn lực quan trọng để địa phương hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng NTM. Nhờ đó, đến cuối năm 2019 toàn huyện có 2 xã (Bình Hòa và Quảng Điền) duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới; xã Băng Adrênh đã hoàn chỉnh hồ sơ và trình tỉnh xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Tổng số tiêu chí đạt chuẩn là 112/133 tiêu chí đạt, đạt tỷ lệ 84,21%, tăng 8 tiêu chí so với cuối năm 2018, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Sau gần 10 năm xây dựng NTM ở Krông Ana có thể thấy rằng, để chương trình đầy ý nghĩa này thành công, các Cấp ủy đảng, chính quyền phải quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện triển khai một cách đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Phong trào phải thực sự đi vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, huy động được sức mạnh của toàn dân. Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sự chuyển biến tích cực, tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển cây, con chủ lực, thế mạnh của địa phương, hạn chế tình trạng phân bổ dàn trải, kém hiệu quả. Triển khai cơ chế, chính sách đồng bộ trong hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo được bước đột phá, thu hút được một lượng lớn nguồn lực của địa phương, nhưng cũng phải tránh việc đóng góp quá sức của người dân trong quá trình xây dựng NTM. Quan trọng hơn là phải nâng cao nhận thức trong nhân dân về tầm quan trọng của xây dựng NTM, ý thức được vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng NTM. Đó cũng là nền tảng quan trọng để huyện Krông Ana tiếp tục phát huy tính dân chủ, đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc sớm về đích trong công cuộc xây dựng NTM.

Võ Đại Huế

Chủ tịch UBND huyện Krông Ana


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.