Đầu tư hạ tầng giao thông: Tiền đề phát triển du lịch
15:13, 31/01/2020
Đắk Lắk được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua hệ thống giao thông chưa phát triển đồng bộ là một trong những rào cản đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thực hiện Chương trình số 15-Ctr/TU, ngày 13-7-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để xúc tiến hoạt động du lịch.
Tại Công văn số 8487/UBND-KGVX, ngày 3-10-2018 UBND tỉnh cũng khẳng định, việc xem xét, phân bổ nguồn kinh phí để ưu tiên đầu tư cho việc phát triển cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch, khu du lịch, nhất là về giao thông… là rất cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi khi mời gọi đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư, đổi mới sản phẩm dịch vụ du lịch.
Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Cư Né (huyện Krông Búk). |
Hạ tầng giao thông được xác định góp phần quan trọng vào việc xúc tiến các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay tại tỉnh ta, các phương thức vận tải chưa được đầu tư đồng đều, chủ yếu tập trung ở đường bộ (vận chuyển chiếm 95%), hệ thống đường sắt chưa có.
Về giao thông đối ngoại, tỉnh có 7 tuyến quốc lộ, chiều dài trên 763 km kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng hiện nay mới chỉ đầu tư cơ bản đường Hồ Chí Minh, các tuyến còn lại như Quốc lộ 26, 27, 29, 14C và 19C đang bị xuống cấp, quy mô chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhìn chung, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hầu hết là kết cấu mặt đường cấp thấp (đá dăm láng nhựa, đất cấp phối tự nhiên) đã khai thác, sử dụng trên 15 năm.
|
Trong khi đó, hệ thống giao thông đường bộ kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Chẳng hạn, tuyến Quốc lộ 27 nối trung tâm TP. Buôn Ma Thuột với khu du lịch Hồ Lắk (huyện Lắk) mặt đường hẹp, nhiều vị trí xuống cấp trầm trọng, thậm chí một số đoạn qua huyện Cư Kuin, vào mùa mưa thường bị ngập cục bộ nên nhiều du khách ngại di chuyển vì đường xấu.
Tương tự, điểm du lịch thác Krông Kmar (huyện Krông Bông) là địa điểm lý tưởng để khách du lịch khám phá vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của thác nước nhưng hạ tầng giao thông kết nối hầu như bị hư hỏng trầm trọng, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân khi lưu thông qua. Hay như Tỉnh lộ 1 kết nối Buôn Ma Thuột với Khu du lịch Bản Đôn (huyện Buôn Đôn) đưa vào khai thác sử dụng từ lâu, chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân và du khách...
Về hàng không, tỉnh có Sân bay Buôn Ma Thuột kết nối với các tỉnh, thành phố như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Hải Phòng, bước đầu đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân của Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung.
Khách xuống máy bay tại Sân bay Buôn Ma Thuột. |
Theo thống kê, năm 2019 Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đã phối hợp phục vụ an toàn 6.393 lần chuyến hạ - cất cánh, trên 1 triệu lượt khách, hơn 7 triệu kg hàng hóa, bưu kiện. So với năm 2018, lượng khách đi lại tại Sân bay Buôn Ma Thuột năm 2019 tăng 93.307 lượt. Tuy nhiên, hiện nay theo điều tiết và lịch bay tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, tần suất bay từ Buôn Ma Thuột đến các tỉnh miền Trung chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, doanh nghiệp và khách du lịch.
Hiện nay, các tuyến bay từ Buôn Ma Thuột đến các tỉnh miền Trung chỉ có 2 hãng hàng không khai thác. Cụ thể, đối với chặng bay từ Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột hiện đang được 2 hãng hàng không khai thác gồm Vietnam Airline và Bamboo Airways, với tần suất 16 lần chuyến/tuần; chặng Buôn Ma Thuột – Vinh – Buôn Ma Thuột, hãng Bamboo Airways, tần suất 14 lần chuyến/tuần, hãng Vietjet Air, tần suất 8 lần chuyến/tuần…
Do đó, để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân và khách du lịch, tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam có ý kiến với các hãng hàng không tiếp tục duy trì và tăng thêm tần suất trên các chặng bay từ Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng; Buôn Ma Thuột – Vinh; đồng thời xem xét mở thêm một số chặng bay từ Buôn Ma Thuột đi Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Cần Thơ, Phú Quốc. Cùng với đó, tỉnh đề nghị Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột phối hợp, hỗ trợ lắp đặt các màn hình ở khu vực sân bay để trình chiếu những đoạn phim, hình ảnh giới thiệu về phong cảnh, con người Đắk Lắk… nhằm quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch tại địa phương.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cho biết, Đắk Lắk có lợi thế về du lịch với nhiều thác nước rất đẹp ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông kết nối với các điểm, khu du lịch này còn hạn chế, do đó tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, bố trí vốn đầu tư các tuyến giao thông tăng tính kết nối với khu, điểm du lịch của tỉnh. Cùng với đó, xem xét việc nâng cấp Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc