Multimedia Đọc Báo in

Đưa trái ngọt về vùng đất cằn

06:15, 28/01/2020

Đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt khiến sản xuất nông nghiệp vùng biên Ea Súp khó phát triển. Thế nhưng có một chàng trai từ phương xa đến đây thực hiện giấc mơ nông nghiệp xanh của mình.

Chàng trai ấy là Dương Đức Kiên (SN 1989), Giám đốc Công ty Sản xuất và dịch vụ Nông nghiệp Đức Kiên Đắk Lắk (thôn 6, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp). Năm 2009 anh rời quê Tây Ninh lên Ea Súp thuê đất trồng cây sắn. Năm đầu thành công, anh trồng 2 ha lời hơn 60 triệu đồng, năm sau mở rộng diện tích lên 7 ha thì thua lỗ gần một tỷ đồng. Thất bại cay đắng giúp anh nhận ra, đất Ea Súp rộng nhưng lại khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, muốn bám trụ thì phải tìm ra loại cây trồng phù hợp, có thể “sống chung” với cái nắng, cái gió nơi đây. Sau khi tìm hiểu, tính toán kỹ, anh về quê thuyết phục gia đình “dời đô” lên Ea Súp mua 4 ha đất ở xã Cư M’lan lập nghiệp. 

Anh Dương Đức Kiên giới thiệu vườn táo với khách tham quan.
Anh Dương Đức Kiên giới thiệu vườn táo với khách tham quan.

Bao đêm trăn trở tìm cách giải bài toán kinh tế trên vùng đất cằn, năm 2012 anh Kiên khăn gói ra Hà Nội tìm hiểu sâu về giống táo Đào vàng rồi mang về Ea Súp trồng thử nghiệm. Ban đầu cây táo phát triển tốt, trồng hơn một năm đã cho quả sum suê, nhưng nhiệt độ Ea Súp quá nóng khiến quả táo nhanh bị héo sau thu hoạch. Không chịu bó tay, anh Kiên thử ghép cây táo mọc dại với táo Đào vàng và một số giống táo khác. Kết quả sau hai năm với bốn lần lai ghép, anh Kiên đã tạo ra giống táo mới đặt tên là táo Xanh. Loại táo này vừa khắc phục được nhược điểm của giống táo Đào vàng vừa cho quả to, thịt dày, hạt nhỏ có vị chua nhẹ, ngọt hậu, phù hợp với đất đai, khí hậu Ea Súp.

 
“Trên hành trình khởi nghiệp, tôi luôn được bố mẹ ủng hộ. Họ chấp nhận bán hết nhà cửa, đất đai ở quê để lên Ea Súp dầm sương dãi nắng khiến tôi không bị cô đơn. Dẫu có khó khăn, tôi vẫn kiên định thực hiện giấc mơ”.
 
Anh Dương Đức Kiên chia sẻ

Sản xuất xong cây giống, anh Kiên mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu trồng hơn 2 ha táo. Trồng táo gốc ghép chỉ mất khoảng 8 tháng đã cho thu hoạch. Một năm cây táo ra hai đợt quả (đợt một từ tháng 2 đến tháng 4, đợt hai từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch), mỗi đợt thu từ 5-6 tấn/ha, với giá bán 40-50 nghìn/kg, anh Kiên thu về hơn 500 triệu đồng. Có tiền, anh tiếp tục tái đầu tư, mở rộng diện tích lên 4 ha. 

Nhưng khó ai lường được chữ ngờ, trận bão năm 2017 ập đến khiến vườn táo bị hư gãy nặng. Vốn liếng tiêu tan theo cơn bão, anh kiêm thêm nghề thu mua, phân phối trái cây tìm vốn gây dựng lại vườn táo. Để giảm thiểu các yếu tố tác động từ bên ngoài, anh đầu tư giàn lưới phủ kín hơn 1 ha táo với chi phí gần 1 tỷ đồng. Anh Kiên cho biết, táo trồng ngoài trời dễ mất trắng vì bị sâu rệp và ruồi vàng tấn công. Phủ giàn lưới tuy tốn kém nhưng giảm được sâu bệnh, công chăm sóc, cho năng suất cao và ổn định. Đặc biệt táo trồng trong nhà lưới cho quả  to, đẹp, da bóng, vị ngon, đảm bảo an toàn vì chỉ sử dụng phân hữu cơ. Năm đầu tiên phủ giàn lưới, anh Kiên thu được hơn 35 tấn táo/ha, năng suất gấp 3 lần so với trồng ngoài tự nhiên. 

Bên cạnh phát triển cây táo, năm 2018, anh Kiên lập Công ty Sản xuất và dịch vụ Nông nghiệp Đức Kiên Đắk Lắk để thực hiện dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trái cây sạch ở hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp. Đây là hai địa phương có diện tích trồng cam sành, quýt đường, ổi... khá lớn song việc tiêu thụ còn nhiều bấp bênh do chưa nắm bắt đúng nhu cầu thị trường. Để làm chủ thị trường, anh Kiên mở các điểm phân phối trái cây đặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nhằm rút ngắn “đường đi” sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người nông dân; đồng thời giúp anh chủ động hơn trong khâu liên kết với nhà nông, góp phần định vị thương hiệu trái cây trên vùng đất cằn.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.