Huyện M'Đrắk: Thực hiện nhiều giải pháp tránh hạn vụ đông xuân 2019 – 2020
Những ngày này, trên các cánh đồng, nông dân huyện M’Đrắk đang tập trung xuống giống đại trà các loại cây trồng như: lúa nước (trà chính), ngô, đậu đỗ các loại... Các ngành, địa phương hiện đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là chủ động bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, xã Krông Jing gieo trồng 595 ha cây trồng các loại, trong đó: lúa nước 225 ha, sắn 200 ha, mía 100 ha, đậu đỗ các loại 35 ha và cây trồng khác 35 ha…; phấn đấu đạt tổng sản lượng lương thực hơn 1.570 tấn. Nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất, xã Krông Jing đã khuyến cáo nông dân gieo sạ trà sớm để tránh hạn vào cuối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lưu ý các loại lúa giống có khả năng chống hạn, ngô, đậu đỗ tại các vùng thường xuyên bị khô hạn ở cánh đồng Ea Ktung, buôn M'lốc A, B...; tăng cường công tác thủy lợi, nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng và các hồ đập chứa nước, điều tiết nguồn nước hợp lý.
Nông dân làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2019 - 2020 tại cánh đồng thôn 18, xã Cư M'ta. |
Nhiều nông dân rút kinh nghiệm từ các vụ trước cũng đang triển khai gieo trồng vụ đông xuân 2019 - 2020 với lịch phù hợp để tránh hạn. Như gia đình anh Y Noen Byă (xã Cư M’ta) có 4 sào lúa nước tại cánh đồng buôn M’Phao và cánh đồng Ea Ksung. Vụ hè thu 2019 vừa qua, do thời tiết nắng hạn kéo dài gây mất mùa, 4 sào lúa nước của gia đình anh chỉ cho thu hoạch khoảng 1 tấn lúa (đạt 60% so với các vụ trước) trong khi chi phí đầu tư đã trên 5 triệu đồng, gia đình chỉ vừa đủ ăn.
Bước vào sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, anh Y Noen chủ động bố trí lịch gieo sạ phù hợp với chân ruộng ở hai cánh đồng, ưu tiên xuống giống ở những chân ruộng cao, phụ thuộc nguồn nước tự nhiên của khe suối để phòng tránh hạn vào cuối vụ. Anh Y Noen kỳ vọng nếu thuận lợi diện tích trên có thể thu hoạch 3 tấn lúa.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, huyện M’Đrắk dự kiến gieo trồng 5.176,5 ha cây trồng các loại; trong đó: lúa nước 2.071,5 ha, ngô 650 ha, đậu đỗ 100 ha, sắn và mía mỗi loại 1.000 ha, cây trồng khác 355 ha. Đến nay, toàn huyện đã xuống giống 2.076 ha cây trồng, đạt 40,3% diện tích kế hoạch. Trong cơ cấu giống, các cơ quan chức năng khuyến cáo bà con ưu tiên gieo cấy các loại giống lai, giống xác nhận có năng suất, sản lượng và không sử dụng giống ngoài luồng, giống đã sử dụng qua nhiều vụ.
Cụ thể, đối với lúa nước, bà con sử dụng các loại giống lúa lai Arire, KD18, HT1, NA2 chiếm tỷ lệ 58-62%; giống lúa TBR225, TBR45, PT168, Nhị ưu 838 chiếm 38%... Ngô sử dụng các loại giống lai 100% như NK (54, 66, 67, 72, 7328, 6253), LVN 10...; sắn sử dụng giống KM94, H34; mía sử dụng giống K95-84, K95, F156, Uthong4...
Bên cạnh đó, để phòng nguy cơ hạn vào cuối vụ (nguy cơ cao do lượng mưa đầu vụ không lớn), ngành chức năng huyện đã phối hợp chặt chẽ với khuyến nông cơ sở trong việc bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt chú trọng ở các vùng đặc thù, chân ruộng cao, vùng ngập úng... để có lịch thời vụ và lựa chọn loại giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng tiểu vùng.
Các ngành chức năng huyện M’Đrắk cũng lưu ý bà con nông dân về khả năng bùng phát và lây lan dịch bệnh trên các loại cây trồng (đã có 254 ha sắn bị bệnh khảm lá DTN, 0,3 ha mía bị bệnh hại sâu đục thân DTN...); tích cực bám đồng để chủ động phòng chống dịch bệnh, chú trọng công tác làm đất, bón phân kịp thời thúc đẩy thời gian sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng; thực hiện các biện pháp thâm canh bảo đảm quy trình kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh, dịch hại... phấn đấu bảo đảm diện tích, tăng năng suất các loại cây trồng.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc