Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng vươn xa cho Cà phê Buôn Ma Thuột

09:00, 30/01/2020

Mang khát vọng quảng bá mạnh mẽ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột ra toàn cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái (thuộc Tập đoàn An Thái) đã đưa sản phẩm Cà phê An Thái từng bước khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế với những bước đi riêng.

Là một trong 5 công ty thuộc Tập đoàn An Thái, mục tiêu ngay từ đầu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái là khẳng định năng lực cạnh tranh, giá trị đặc trưng của hạt cà phê trên vùng đất bazan với thị trường quốc tế, sau đó mới quay về xây dựng chuỗi cung ứng nội địa. Công ty đã tăng cường mang sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm quốc tế và tự đi “chào hàng” bạn bè ở nhiều quốc gia. Để khai thác lợi thế vùng nguyên liệu, nâng giá trị cho hạt cà phê thì phải quan tâm đầu tư chế biến sâu. Những chuyến “ra khơi” như thế giúp doanh nghiệp tìm được nhiều đối tác lớn, đồng thời cũng có nhiều nỗ lực để thay đổi về công nghệ sản xuất, đầu tư máy móc hoàn toàn tự động, trang thiết bị hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất cà phê để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất đến.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái Nguyễn Xuân Lợi là doanh nhân duy nhất của tỉnh Đắk Lắk lọt vào top 100 doanh nhân Việt tiêu biểu năm 2019. 

An Thái có nhiều sản phẩm mới, truy xuất được nguồn gốc, được kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra theo tiêu chuẩn tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Đến nay, sản phẩm Cà phê An Thái đã xuất đi hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Nga, Tây Ban Nha…

Doanh nhân  Nguyễn Xuân Lợi.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Lợi.

Có nhiệm vụ phụ trách mảng nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái chọn cách xây dựng thương hiệu bằng cách “bắt tay” với nông hộ, các đơn vị thu mua để bảo đảm mắt xích trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, bảo quản nhằm bảo đảm chất lượng thành phẩm. Đối với việc thương mại sản phẩm cà phê, anh Lợi xác định doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu cà phê cần có mối liên kết chặt chẽ và thống nhất với nhau để đầu tư sâu vào kỹ thuật chế biến. Việc đưa cà phê sản xuất ở Buôn Ma Thuột trở thành thương hiệu trên thị trường quốc tế sẽ nâng cao được giá trị sản phẩm. “Tôi nghĩ, nếu mỗi DN thuyết phục được thêm nhiều người dùng thì sẽ là giải pháp chuyển biến hoàn toàn ấn tượng của cà phê Việt Nam trong mắt người dùng thế giới, và sẽ chạm đến những phân khúc cao cấp nhất ”- anh Lợi tâm sự.

Hơn 20 năm kinh doanh trong ngành cà phê, chính nhờ sự hợp tác, liên kết tác với người trồng cũng như các DN trong ngành với nhau đã góp phần thúc đẩy đưa thương hiệu Cà phê An Thái vươn xa. Mỗi năm, An Thái cung ứng ra thị trường các nước khoảng 2.000 tấn sản phẩm cà phê đã qua chế biến các loại. Anh Lợi kỳ vọng, An Thái sẽ là một mắt xích để cùng với các DN khác đưa thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột xứng tầm thế giới. 

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.