Multimedia Đọc Báo in

Ngành Nông nghiệp một năm vượt khó

10:17, 16/01/2020

Năm 2019, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ thiên tai, dịch bệnh đến giá các loại nông sản xuống thấp… Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đã bám sát thực tiễn, vượt qua thách thức, tiếp tục đạt được kết quả khả quan, toàn diện.

Thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường khiến tỉnh phải gánh chịu 13 đợt thiên tai, gây thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng, sản xuất và đời sống của nhân dân, ước tính sơ bộ thiệt hại hơn 1.130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng bùng phát mạnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp đã khiến 5,78% tổng đàn heo trên toàn tỉnh phải tiêu hủy; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phải đối mặt với biến động về giá cả và thiếu ổn định, nhất là các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, cao su...

Nông dân xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) thu hoạch lúa.
Nông dân xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) thu hoạch lúa.

Trong bối cảnh đó, với nhiệm vụ trọng tâm, then chốt là thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn, ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa phương để bám sát thực tiễn, tiếp tục tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét, thực chất hơn trong tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, các chỉ tiêu của ngành đều đạt kế hoạch đề ra, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh. Nổi bật là giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn ước đạt 21.240 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 4,4% so với năm 2018; thủy lợi đảm bảo tưới chủ động cho 80,5% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92,5%; tỷ lệ che phủ rừng 38,6%...

Đáng chú ý là cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị và an toàn thực phẩm. Ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, năng suất và sản lượng các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch UBND tỉnh giao. Năm 2019, tổng diện tích cây trồng hằng năm các loại trên 332.000 ha, đạt 105,54% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 2.623 tấn so với năm 2018. Đặc biệt, sản xuất vụ đông xuân 2018-2019 đã đạt kết quả khá cao, vượt kế hoạch đề ra, với 59.625 ha cây trồng các loại, tăng trên 560 ha so với vụ đông xuân năm trước. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 332.770 tấn, tăng 95.774 tấn so với kế hoạch.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trên tất cả các lĩnh vực và đã được kết quả khả quan, tạo sự chuyển biến rõ nét theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với 3 trụ cột chính là ứng dụng công nghệ cao; đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến.

Đến nay đã có 15/15 huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai Đề án, Kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp và đang tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, ngoài việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, các huyện đã và đang tích cực triển khai hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Đơn cử như huyện Ea Kar đã triển khai hỗ trợ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với sản phẩm heo rừng, các loại cây ăn trái (vải, nhãn, cam, quýt, bưởi); thị xã Buôn Hồ đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận trái cây Buôn Hồ, hỗ trợ HTX sản xuất sầu riêng, bơ theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình liên kết chăn nuôi dê gắn với tiêu thụ sản phẩm; huyện Krông Pắc đã xây dựng được 10 dự án liên kết theo chuỗi gắn sản xuất với và tiêu thụ...

Đặc biệt, một số địa phương đã thu hút được các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiêu biểu như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cư M’gar, với quy mô 105,5 ha và đang tiếp tục thành lập thêm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), với quy mô 25,48 ha.

Một trong những kết quả nổi bật nhất của ngành Nông nghiệp là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và đi vào chiều sâu, người dân và cộng đồng ngày càng hiểu rõ lợi ích và tích cực tham gia hơn vào xây dựng nông thôn mới… Đến hết năm 2019, lũy kế toàn tỉnh có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 2 xã so với kế hoạch), tăng 9 xã so với năm 2018; bình quân đạt 14,8 tiêu chí/xã, tăng 0,96 tiêu chí so với năm 2018; TP. Buôn Ma Thuột đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, có thể khẳng định năm 2019 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng kết quả ngành Nông nghiệp đạt được là khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh là 4,6%, cao hơn gấp đôi so với bình quân chung cả nước (cả nước 2,2%), góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh phấn đấu đạt các chỉ tiêu: giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 22.200 tỷ đồng; tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu kinh tế đạt 36,18%; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ che phủ rừng: 38,74%; tỷ lệ xã phấn đấu cơ bản đạt tiêu chuẩn nông thôn mới 40,1%.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc