Multimedia Đọc Báo in

Người chăn nuôi "phập phồng" với giá heo Tết

09:02, 14/01/2020

Người chăn nuôi đang phấn khởi trước giá heo hơi đạt ở mức cao, phần nào giúp họ khôi phục lại chăn nuôi sau thời gian dài rớt giá và dịch bệnh. Tuy nhiên, trước thông tin nhập khẩu thịt heo với giá thấp để bình ổn giá thị trường trong nước, người chăn nuôi không khỏi phập phồng lo lắng…

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh dịch tả heo châu Phi đã khiến 5,78% tổng đàn heo trên toàn tỉnh phải tiêu hủy (gần 44.500 con). Điều này cũng làm cho nguồn cung ứng thịt heo bị giảm xuống, đồng thời đẩy giá heo hơi tăng lên. Trước tình hình giá tốt, nhiều trang trại đủ điều kiện tái đàn đã đầu tư cho lứa heo tết.

Anh Nguyễn Văn Thành (xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc) hiện có khoảng 100 con heo thịt chờ xuất bán cho thị trường Tết. Từ hơn 4 tháng trước, anh đã bắt đầu tái đàn heo thịt từ heo con do trang trại sản xuất và nhập thêm bên ngoài. Dự kiến, anh sẽ xuất chuồng đàn heo thịt trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25 tháng Chạp với trọng lượng heo đạt từ 110 - 130 kg.

Anh Thành cho biết, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình anh không tránh khỏi tâm lý căng thẳng, áp lực khi duy trì đàn heo. Hầu hết các trang trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực lân cận đã bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Riêng gia đình anh, nhờ thực hiện tốt công tác cách ly, tiêu độc, khử trùng thường xuyên nên vẫn đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh. So với cùng thời điểm này năm ngoái, chi phí đầu tư mỗi con heo tăng từ 300.000 – 500.000 đồng, chủ yếu là tiền mua thuốc tiêu độc khử trùng, thuốc diệt côn trùng và vôi bột, chưa kể công lao động cũng tăng thêm rất nhiều.

Do nguồn thu nhập chính dựa vào lứa heo Tết này nên anh thường xuyên cập nhật giá heo tại địa phương qua thương lái và các hội nhóm chăn nuôi. Trong khoảng 4 - 5 ngày qua, giá heo đã tăng trở lại với mức tăng khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg. Nếu thời điểm xuất chuồng, giá heo đạt mức 80.000 đồng/kg, anh sẽ thu lãi khoảng 5 triệu đồng/1 con heo thịt.

Cán bộ thú y kiểm tra đàn heo trước khi đưa vào lò mổ ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).
Cán bộ thú y kiểm tra đàn heo trước khi đưa vào lò mổ ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).

Trang trại Fukoku từng phát triển chăn nuôi heo với quy mô hơn 1.000 con tại xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) thì nay cũng chỉ còn lại hơn 300 con.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng Dương (chủ trang trại) dự định sẽ xuất hết heo thịt đang có tại trang trại cho thị trường Tết và xử lý khử trùng toàn bộ chuồng trại để chuyển sang mô hình nuôi heo gia công. Khoảng 1 tháng trước, anh cũng đã xuất bán 300 con heo thịt, 100 heo nái cho thương lái tại địa phương với giá 80.000 đồng/kg.

Dù giá hiện tại đã giảm, song theo anh, điều khiến người chăn nuôi không dám tái đàn là thông tin về việc nhập khẩu thịt heo sẽ tác động nhiều đến giá cả cũng như thói quen tiêu thụ của người tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, nếu duy trì mô hình chăn nuôi khép kín, tự sản xuất từ con giống, thức ăn, phòng chống dịch bệnh đến việc tìm đầu ra, người chăn nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro hơn so với nuôi gia công cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Còn theo bà Trần Thị Hoài Nga, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Hoàng Minh Phát (huyện Buôn Đôn), mặc dù giá cao nhưng người chăn nuôi như "ngồi trên lửa" vì dịch bệnh vẫn đang hoành hành, giá cả thì lên xuống thất thường.

Hiện giá heo tuy có cao nhưng chi phí phòng bệnh cho heo cũng tăng cao hơn rất nhiều. Thay vì trước đây, giá thành chăn nuôi chỉ ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg, thì nay giá thành đã đội lên thêm 10 - 15%. Trên thực tế, việc giá heo hơi tăng trong vài tháng nay đã giúp người chăn nuôi rất nhiều trong việc khôi phục và ổn định chăn nuôi.

Tuy nhiên, trước chính sách nhập khẩu thịt heo để bình ổn giá trong nước, thị trường rơi vào tình trạng nhiễu loạn thông tin khiến giá heo hơi trong nước “nhảy múa”, làm nhiều người chăn nuôi lo lắng. Hiện trang trại của Hoàng Minh Phát đang có quy mô khoảng 1.000 con heo thịt; cận tết, trang trại sẽ xuất 300-400 con phục vụ nhu cầu người tiêu dùng...

Lứa heo thịt của trang trại heo Hoàng Minh Phát đang đợi xuất chuồng.
Lứa heo thịt của trang trại heo Hoàng Minh Phát đang đợi xuất chuồng.

Bà Trần Thị Hoài Nga cũng bày tỏ lo lắng, nguồn cung thiếu hụt khiến giá thịt heo tăng cao, ảnh hưởng đến sức mua, tuy vậy người tiêu dùng cũng cần thận trọng trước thịt heo nhập khẩu giá rẻ vì giá thành chăn nuôi ở các nước châu Âu (quy mô hiện đại) trong thời điểm đang có dịch tả heo châu Phi đã nằm ở mức 32.000 - 35.000 đồng/kg hơi.

Trong khi, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng thịt heo toàn cầu năm 2020 sẽ có khả năng giảm 10% do bệnh dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi ở các nước nên rất khó để nhập khẩu thịt heo chất lượng tốt mà giá thấp. Trên cương vị nhà chăn nuôi, bà Nga tỏ ra lo lắng trước khả năng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách của Nhà nước, nhập thịt tồn kho với giá rẻ để bán, gây nhiễu loạn thị trường.

Theo Sở NN-PTNT, để bảo đảm nguồn cung thịt heo cho thị trường, Sở đã hướng dẫn tất cả các địa phương, trang trại thực hiện tốt các quy trình tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Khi các điều kiện đó được kiểm tra đánh giá đạt đúng yêu cầu thì người chăn nuôi được tái đàn để bảo đảm dịch bệnh không bùng phát.

Bộ Công thương cho biết, hiện nay có 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam. Có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt heo từ các nước và các doanh nghiệp này.

Minh Thuận - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc