Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Ô tìm hướng phát triển bền vững cây cam, quýt

09:56, 10/01/2020

Trước thực trạng nhiều hộ trồng cam, quýt trên địa bàn huyện “ngậm trái đắng” vì cam, quýt bị bệnh vàng lá, thối rễ chết hàng loạt, một số nông dân xã Ea Ô (huyện Ea Kar) đã tìm được hướng đi phù hợp để phát triển bền vững loại cây trồng này.

Vườn quýt của gia đình anh Quách Xuân Túc nổi bật giữa quả đồi mênh mông ở thôn 6B bởi màu xanh của lá chen lẫn những chùm quả trĩu cành đầy hứa hẹn khiến ai cũng trầm trồ. Để tạo dựng được vườn cây này, anh Túc đã dày công mày mò, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thực tế từ những nhà vườn trên địa bàn. Riêng khâu chọn giống, anh “khăn gói” đến tận một số nhà vườn ở miền Tây Nam Bộ tìm hiểu trong thời gian dài, chỉ khi chắc chắn giống cây khỏe mạnh, không bị nhiễm mặn, không bị bệnh thối rễ vàng lá mới đặt mua.

Nắm bắt đặc điểm các loại cây có múi dễ bị bệnh do ngập úng nên thay vì đánh luống, tạo bồn “bưng” nguyên mô hình ở miền Tây về áp dụng, anh Túc thuê nhân công san lấp đất rẫy nghiêng khoảng 15 độ, lắp hệ thống tưới trượt trên mặt, đào hơn 400 mét hệ thống mương xung quanh vườn nhằm bảo đảm thoát nước tốt trong mùa mưa. Sau khi xử lý đất, năm 2016 anh Túc xuống giống trồng 3.000 cây quýt đường trên diện tích hơn 3 ha.

Xác định đây là loại cây “con nhà giàu” phải đầu tư, chăm sóc rất công phu nên anh đã bán bớt một phần diện tích đất lấy vốn tập trung đầu tư vườn cây. Bên cạnh việc chăm sóc, tưới nước phù hợp ở các thời điểm cây cần nhất như trổ hoa, kết trái cho đến lúc thu hoạch, anh Túc tận dụng nguồn phân chuồng dồi dào có sẵn nhờ chăn nuôi heo, gà trộn với trấu kết hợp bón phân sinh học đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời điểm.

Anh Túc chia sẻ: “Cách làm này tuy mất nhiều công sức nhưng đất luôn giữ độ ẩm cần thiết và tơi xốp, vườn cây sẽ phát triển khỏe mạnh, tăng thời gian khai thác, phòng tránh sâu bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường, sản phẩm an toàn cho người sử dụng”. Vụ thu bói vừa qua, 1.800 cây quýt đường và 200 cây cam trồng thử nghiệm trong vườn đã cho thu khoảng 30 tấn, trừ chi phí anh lãi hơn 200 triệu đồng.

Anh Quách Xuân Túc (bên trái) giới thiệu với khách tham quan về vườn cây của gia đình.
Anh Quách Xuân Túc (bên trái) giới thiệu với khách tham quan về vườn cây của gia đình.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Viết Thành với 3,2 ha đất rẫy tại thôn 6A hết trồng rồi chặt, chuyển đổi từ cà phê, tiêu sang điều, sầu riêng vô cùng tốn kém mà không hiệu quả. Qua tìm hiểu, nhận thấy cây cam, quýt hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở địa phương, tháng 6-2016, ông Thành quyết định đầu tư trồng cam. Để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích và hạn chế rủi ro do giá cả, dịch bệnh như nhiều hộ nông dân đã từng thiệt hại, ông chọn cách trồng đa dạng cây trái.

Ngoài 700 cây cam xoàn ruột tím, 500 cây cam ruột vàng, 4.000 cây cam sành và 450 cây quýt đường, ông còn trồng xen 250 cây cây bưởi da xanh. Khi các loại cây trên bắt đầu cho thu bói, ông trồng thêm 250 cây dừa xiêm Nhật, 200 cây mít Thái và 800 cây bưởi các loại. Năm 2018 và 2019, vườn cam, quýt đã cho thu hoạch 2 đợt khoảng 55 tấn, với giá bán trung bình từ 12.000 - 20.000 đồng/kg, riêng cam xoàn ruột tím bán với giá tại vườn 35.000 đồng/kg, ông Thành thu về trên 500 triệu đồng.

Ông Lê Hoài Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ô cho biết, ngoài tập trung phát triển các loại cây chủ lực như cà phê, tiêu, điều…, vài năm trở lại đây nông dân trong xã đã tự tìm tòi, trồng thêm cam, quýt, bưởi theo kiểu tự phát. Tổng diện tích cam, quýt cả xã khoảng 60 - 70 ha, góp phần đa dạng hóa cây trồng của địa phương, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, để phát triển bền vững các loại cây ăn quả có múi theo định hướng hình thành các vùng chuyên canh cây trồng của huyện, xã khuyến khích bà con trong thời gian tới chuyển đổi cây trồng theo hướng đa dạng chứ không chỉ tập trung vào mô hình cam, quýt, tránh trồng ồ ạt dễ dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm khó tiêu thụ.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.