Multimedia Đọc Báo in

Vụ đông xuân 2019-2020: Nguy cơ thiếu nước sản xuất vào cuối vụ

09:15, 15/01/2020

Năm 2019, mặc dù trên địa bàn Đắk Lắk xảy ra nhiều đợt ngập lụt do mưa lớn, nhưng đến nay vẫn có nhiều hồ chứa không đạt dung tích thiết kế. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 ở nhiều địa phương.

Theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh gieo trồng tổng diện tích 46.970 ha. Trong đó, lúa nước khoảng 35.000 ha; ngô 3.510 ha; khoai lang 1.620 ha; sắn 1.000 ha; mía 1.000 ha và đậu các loại khoảng 1.160 ha… Hiện các địa phương đã gieo trồng được trên 36.000 ha, tập trung chủ yếu là cây lúa nước (gần 28.000 ha), ngô (1.601 ha), các loại cây có củ, đậu các loại…

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, kết thúc năm 2019 lượng mưa bình quân trên toàn tỉnh là 1.764,9 mm đạt 100,8% so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục diễn ra vào các tháng đầu năm 2020 nhưng nghiêng về pha nóng; từ tháng 1 đến tháng 4, lượng dòng chảy trên các sông giảm dần, phổ biến thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 30 - 40%, một số nơi thấp hơn trên 40%; các sông suối nhỏ và vừa có thể bị cạn kiệt, dòng chảy không đáng kể, nguy cơ hạn hán, thiếu nước xảy ra trên diện rộng.

Mực nước hồ Buôn Triết (huyện Lắk) đang ở mức thấp.
Mực nước hồ Buôn Triết (huyện Lắk) đang ở mức thấp.

Trước tình hình trên, nhiều địa phương và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã tiến hành rà soát tình hình nguồn nước và xây dựng phương án chống hạn. Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, trong số 247 hồ chứa do đơn vị đang quản lý, có 168 hồ đạt dung tích thiết kế, 59 hồ dung tích đạt 70 - 90%, 16 hồ đạt từ 50 - 70% và vẫn còn 4 hồ đang ở mức dưới 50%.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2019-2020 đơn vị có nhiệm vụ cung cấp nước cho trên 49.729 ha cây trồng, trong đó khoảng 22.563 ha lúa; 25.073 ha cà phê; 1.821 ha hoa màu và 270 ha thuỷ sản. Mặc dù nguồn nước tại các hồ chứa tương đối khả quan, song trước nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở các công trình thủy lợi tại một số địa phương, công ty đã chỉ đạo các chi nhánh lập phương án phòng chống hạn cho những công trình có nguy cơ hạn về cuối vụ thông qua việc cắt giảm diện tích; đắp bao tải đất trên ngưỡng tràn để nâng cao cột nước; nạo vét tuyến kênh dẫn, cửa vào - ra cống lấy nước; bơm tát từ mực nước chết của hồ và từ các sông, suối; hỗ trợ dầu cho người dân tự bơm từ các giếng đào, ao, hồ nhỏ; điều tiết nước từ các công trình lân cận…

Theo dự kiến trong vụ đông xuân 2019–2020, toàn công ty sẽ có khoảng 73 công trình có khả năng hạn về cuối vụ, với tổng diện tích cần phải chống hạn trên 4.139 ha cây trồng (2.817,61 ha lúa; 1.262,85 ha cà phê; 44,44 ha hoa màu và 15 ha thủy sản).

Huyện Ea Súp là một trong những địa phương được cảnh báo về nguy cơ hạn xảy ra. Trong vụ đông xuân này, toàn huyện gieo trồng 7.057 ha cây trồng ngắn ngày, chủ yếu là lúa với 5.462 ha. Hiện trong số 7 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Chi nhánh huyện Ea Súp quản lý thì mới có 2 hồ đạt mực nước dâng bình thường; 3 hồ đạt 70 - 90%; 1 hồ từ 50 - 70% và 1 hồ dưới 50%. Trong khi diện tích 7 hồ chứa phải phục vụ nước tưới là 6.311,22 ha, theo đó diện tích dự kiến phải chống hạn là 370 ha lúa bằng các biện pháp: nạo vét kênh dẫn; bơm tát từ dung tích chết của hồ; điều tiết nước trên kênh chính…

Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cũng hướng dẫn các xã, thị trấn căn cứ vào đặc điểm khí hậu, thời tiết, điều kiện sản xuất cụ thể của từng địa phương và đặc điểm sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng để bố trí lịch thời vụ hợp lý. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về dự báo khí tượng, thủy văn (nhất là nhiệt độ và độ ẩm không khí) để nông dân nhận biết được tình hình thời tiết, khả năng nguồn nước phục vụ sản xuất.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) bơm nước phục vụ sản xuất cho người dân.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) bơm nước phục vụ sản xuất cho người dân.

Còn theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Chi nhánh huyện Lắk, đơn vị đang quản lý 20 hồ chứa, tuy nhiên hiện mới có 3 hồ đạt dung tích thiết kế, 8 hồ đạt 70 - 90%, 8 hồ đạt 50 - 70% và 1 hồ đạt dưới 50% (do lưu vực nhỏ không có nguồn về). Do đó, sẽ có gần 1.000/4.119 ha (chủ yếu là lúa nước) phải chống hạn vào cuối vụ. Các phương án cũng đã được chi nhánh xây dựng, đơn cử như với hồ Buôn Triết (xã Buôn Triết) phục vụ tưới cho hơn 1.373 ha lúa nước và cà phê nhưng hiện chỉ đạt 63% dung tích thiết kế. Theo đó, diện tích phải chống hạn trên 780 ha bằng các biện pháp như sửa chữa, nạo vét kênh N2-13; bơm nước từ sông Krông Ana qua trạm bơm dã chiến về khu tưới…

Hiện Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, tuyệt đối không đưa vào kế hoạch những diện tích không có nguồn nước bảo đảm. Riêng đối với cây lúa, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng thích hợp, ưu tiên các giống lúa trung và ngắn ngày; những vùng thường bị mất trắng do hạn thì chuyển sang gieo trồng cây ngắn ngày khác như khoai lang, rau màu…

Để hạn chế thiệt hại do khô hạn, vụ đông xuân 2019-2020, ngành Nông nghiệp sẽ chuyển đổi khoảng 1.257 ha đất lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp khác. Diện tích chuyển đổi tập trung ở các huyện Lắk, Ea Kar, Cư Kuin, Buôn Hồ…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc