Multimedia Đọc Báo in

Xuôi theo dòng Ea H'leo

06:52, 05/01/2020

Trước khi hòa vào suối Ea Súp cuồn cuộn chảy, sau đó đổ xuống dòng Sêrêpốk hùng vĩ tại ngầm Đắk Ri (Vườn Quốc gia Yok Đôn), con sông Ea H’leo âm thầm len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và bình nguyên rộng lớn, tưới mát vùng đất nơi dòng sông đi qua.

Dãy núi Dliê Yang kéo một vệt dài từ hướng Đông - Bắc sang Tây - Nam, cắt đôi bình nguyên rộng lớn, màu mỡ giữa huyện Krông Năng và Ea H’leo hiện tại. Đó cũng là mạch nguồn khởi phát một dòng sông, dòng sông này gắn liền với câu chuyện về mối tình cay nghiệt được cư dân người Êđê, Jrai sinh sống dọc theo buôn Choah, buôn Drai, buôn Điek, buôn Sex (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) lưu truyền như một huyền tích trong cộng đồng người ở đây từ xa xưa cho đến nay, đó là mối tình nàng H’leo và chàng Drăng.

Cụ Y Troh Niê ở buôn Choah kể rằng: Dòng sông bắt nguồn từ dãy núi trên, đến đây thì chia làm hai: suối Ea H’leo và Ea Drăng để tiếp tục chảy về hướng Tây rồi hợp lại thành suối Ea Súp trên vùng rừng Cư M’lan thuộc huyện vùng biên Ea Súp bây giờ. Sở dĩ con sông Ea H’leo tách đôi là vì mẹ Dliê Yang không ưng thuận cho nàng H’leo và chàng Drăng đến với nhau. Họ tuyệt vọng, đau khổ khóc thương cho duyên phận ngang trái của mình đến khi không còn nước mắt - và những giọt lệ từ mối tình đã khai sinh ra hai dòng suối trên tuyệt đẹp, gọi là “suối nước mắt” của nàng H’leo và chàng Drăng để lại cho muôn đời sau.

Một góc Khu Du lịch sinh thái Ngọc Phụng được đầu tư xây dựng tại hồ Ea Drăng.
Một góc Khu Du lịch sinh thái Ngọc Phụng được đầu tư xây dựng tại hồ Ea Drăng.

Suối H’leo chảy qua địa phận giáp ranh giữa hai huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) và huyện Chư Pưh (Gia Lai) ngày nay. Dòng suối này đã cung cấp nguồn nước dồi dào cho hàng nghìn nông hộ làm lúa, cà phê và hoa màu các loại, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xã hội cho người dân trong vùng. Ví như xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, một trong những nơi được dòng suối ban tặng nguồn nước mát lành nhiều nhất và nhờ đó đã tạo điều kiện cho người dân cùng chính quyền địa phương xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là hướng đi chủ đạo và bền vững lâu nay.

Chủ tịch UBND xã Dliê Yang Y Thông Ksor cho rằng, thành quả đạt được như thành lập 1 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bền vững với hàng trăm hộ tham gia, trong đó có 15 tổ sản xuất cà phê bền vững trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp theo tiêu chuẩn 4C với tổng diện tích gần 1.300 ha, sản lượng đạt trên 4.000 tấn/năm, đem về mức thu nhập khoảng 34 triệu đồng/người/năm… đều nhờ một phần đáng kể từ nguồn tài nguyên đất đai, nước tưới của dòng suối H’leo ban tặng.

Khu Du lịch sinh thái Ngọc Phụng mở cửa đón du khách từ cuối năm 2018.
Khu Du lịch sinh thái Ngọc Phụng mở cửa đón du khách từ cuối năm 2018.
 
“Không gian phát triển du lịch Ea H’leo có thể mở rộng sang vùng bình nguyên Ea Súp, nơi có 2 hồ thủy lợi lớn (Ea Súp Hạ và Ea Súp Thượng) được dòng Ea H’leo - một trong những chi lưu quan trọng của suối Ea Súp cung cấp lượng nước quanh năm dồi dào để có thể khai thác loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm trên toàn vùng Đông - Tây Đắk Lắk một khi cơ hội mở ra”.
 
Ông Phạm Văn Khôi, Trưởng Phòng VH-TT huyện Ea H’leo

Còn suối Drăng chảy qua thị trấn Ea Drăng - trung tâm huyện Ea H’leo cũng đã mang lại cho người dân ở đây nguồn lợi to lớn và đáng kể. Đó là hồ thủy lợi Ea Drăng (được ngăn dòng và xây dựng vào năm 2009) rộng 27 ha, trữ lượng nước lên tới 1,2 triệu m3, đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 500 ha cây trồng, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn.

Theo ông Lê Thăng Long - Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, đây không chỉ là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất ở cửa ngõ phía Đông Đắk Lắk, mà còn là điểm đến du lịch giàu tiềm năng, lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên để phát triển “ngành công nghiệp không khói” này trong hiện tại và tương lai.

Được biết từ năm 2016, Công ty Thương mại - Dịch vụ du lịch Ngọc Phụng được phép đầu tư vào điểm du lịch trên và đến nay đã tạo nên một số sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo được du khách biết tới như bơi thuyền trên lòng hồ, ẩm thực, vui chơi, cắm trại và giải trí trong không gian thơ mộng của sông suối, núi rừng.

Ông Nguyễn Ngọc Đoan - Tổng Giám đốc Công ty Thương mại - Dịch vụ du lịch Ngọc Phụng cho biết, trong đợt khảo sát, phát triển sản phẩm du lịch tại huyện Ea H’leo mới đây, hồ thủy lợi Ea Drăng được xem là điểm đến hấp dẫn nhất, đóng vai trò “hạt nhân” kết nối với những địa danh, danh thắng khác như: Thác Đaiek, Nhà máy điện gió (xã Dliê Yang), Sở Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên (xã Ea Tir), khu bảo tồn thông nước (Ea Ral), các nông trại cà phê bạt ngàn… để hình thành không gian du lịch đa dạng, đồng bộ nhằm phục vụ phát triển ngành kinh tế quan trọng này trong những năm tiếp theo với mục tiêu đến năm 2030 đón 1 triệu du khách, doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng, đóng góp từ 12 -15% vào nguồn thu ngân sách địa phương.

           Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.