Chủ động phòng chống dịch cúm trên đàn gia cầm
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện cả nước đã có 5 tỉnh và thành phố xuất hiện dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N6 gây ra, với 10 ổ dịch (trong đó có 9 ổ dịch chưa qua 21 ngày, cần đặc biệt quan tâm), buộc phải tiêu hủy 43.202 con. Trước diễn biến thời tiết phức tạp của thời điểm giao mùa, nguy cơ dẫn đến bùng phát dịch là rất cao.
Tại Đắk Lắk, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh khoảng 12,5 triệu con, trong đó chăn nuôi nông hộ, gia trại chiếm phần lớn. Mặc dù hiện tại Đắk Lắk chưa phát hiện ổ dịch cúm nào, nhưng nguy cơ xảy ra dịch là khá cao vì thời tiết chuyển mùa; mầm bệnh luôn có sẵn trong tự nhiên; mật độ đàn chăn nuôi đang ở mức khá cao, trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin cúm gia cầm thấp (chỉ đạt khoảng 20%). Năm 2019, dịch cúm gia cầm đã từng xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại huyện Ea Súp và TP. Buôn Ma Thuột, phải thiêu hủy 3.406 con.
Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch như: tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; theo dõi tình hình, xây dựng kế hoạch, chủ động khi có dịch bệnh xảy ra; duy trì hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật cố định để giám sát tình hình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác giết mổ; tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ cho gia cầm…
Công nhân trang trại của ông Tô Thanh Mẫn (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gà. |
Một trong những địa phương đang triển khai tốt công tác phòng dịch cúm gia cầm là TP. Buôn Ma Thuột. Trong năm 2019, ngành Chăn nuôi và Thú y thành phố đã giám sát tiêm phòng 858.263 liều vắc xin cúm gia cầm. Từ đầu năm 2020 đến nay, các trang trại, hộ chăn nuôi cũng đã tiêm phòng 266.400 liều vắc xin cúm cho đàn gia cầm. Toàn bộ kinh phí tiêm phòng đều do người dân tự chi trả.
Ông Hoàng Anh Dũng, Phó trưởng trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, ngay sau khi nhận Công điện khẩn của UBND tỉnh về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, Trạm đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ những giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Thành phố đã lập đoàn kiểm tra phòng chống dịch bệnh trên động vật để kiểm tra việc thực hiện của các xã, phường. Đồng thời, sẽ tiến hành đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng trên toàn địa bàn, nhất là tại các chợ, điểm buôn bán gia cầm, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ… Trạm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch bệnh như: tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các bệnh trên gia cầm theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi; tăng cường dinh dưỡng; thường xuyên kiểm tra chuồng trại và tiêu độc, khử trùng…
Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng cần tuân thủ quy định về kê khai số lượng gia cầm với chính quyền địa phương, thông báo cho cán bộ thú y khi gia cầm có biểu hiện ốm, chết để kịp thời xác định nguyên nhân, khoanh vùng ổ dịch, tránh lây lan ra môi trường xung quanh.
Trang trại trên địa bàn xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) rắc vôi khử trùng khu vực chuồng trại. |
Hiện thành phố có 1,5 triệu con gia cầm, người chăn nuôi cũng đã ý thức tốt hơn việc chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là cúm gia cầm. Qua kiểm tra thực tế tại trang trại gà gia công của hộ ông Tô Thành Mẫn (thôn 4, xã Hòa Thuận), cho thấy công tác phòng bệnh cúm gia cầm được trang trại thực hiện rất tốt. Trang trại có tổng đàn gần 20.000 con gà thịt, được chăn nuôi theo quy trình khép kín. Ngoài các hoạt động phòng bệnh được thực hiện nghiêm ngặt như rắc vôi chuồng trại, phun thuốc khử trùng định kỳ, phun xe chở thức ăn…, trang trại còn đầu tư thêm dàn lưới che phủ chuồng trại để tránh côn trùng xâm nhập và lắp đèn UV trong kho chứa thức ăn gia cầm để tiêu hủy các mầm bệnh (nếu có) bám trên bề mặt bao chứa thức ăn; công nhân ở 24/24 giờ trong trại cho đến khi gà xuất chuồng xong…
Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục Phó quản lý chung Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo: Người dân cần đặc biệt chú ý tiêu độc, khử trùng làm sạch chuồng trại; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ngoài ra, người dân cần giám sát chặt chẽ vật nuôi, khi có biểu hiện bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền cơ sở biết để xác minh làm rõ nguyên nhân để có hướng giải quyết kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng…
Đắk Lắk được đánh giá là một trong các tỉnh đi đầu trong việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh ở khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, trên toàn tỉnh đã xây dựng thành công 29 cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó, có 1 xã an toàn dịch, 5 cơ sở vịt giống, 8 cơ sở gà giống, 1 cơ sở gà trứng, 3 cơ sở gia cầm giống, 1 cơ sở bò giống, 10 cơ sở heo giống. |
Minh Thuận - Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc