Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở buôn Đrăng Phốk

10:54, 15/02/2020

Cách trung tâm huyện Buôn Đôn gần 40 km, buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na) có 130 hộ với gần 500 khẩu, trong đó có 95% là người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Đây là buôn xa nhất của huyện và nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôk. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, diện mạo buôn Đrăng Phốk đã có nhiều đổi thay.

Trưởng buôn Y Tê Bkrông kể, trước đây cuộc sống của người dân buôn Đrăng Phốk rất khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, thiếu điện, thiếu nước sạch sinh hoạt, bà con chưa chủ động trong trồng trọt và chăn nuôi nên bữa đói, bữa no. Nhiều gia đình phải chia nhau từng củ sắn, nắm rau rừng để ăn.

Trưởng buôn Y Tê Bkrông giới thiệu những vườn điều trồng năm thứ hai trong buôn.
Trưởng buôn Y Tê Bkrông giới thiệu những vườn điều trồng năm thứ hai trong buôn.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc các loại cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm được tổ chức cho người dân trong buôn. Hiện nay, buôn Đrăng Phốk có hơn 35 ha lúa nước hai vụ và 10 ha lúa một vụ, có hệ thống kênh mương dẫn nước đến các cánh đồng thuận lợi nên bà con đã chủ động được việc gieo cấy ruộng lúa nước.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm đầu tư thực hiện. Ngoài lúa nước, buôn Đrăng Phốk còn có hơn 60 ha điều, gần 10 ha mít cao sản, hơn 60 ha đất trồng cây hằng năm... và đàn trâu bò hơn 400 con. Số hộ nghèo trong buôn giờ đã giảm xuống còn 78 hộ; số hộ khá và giàu tăng lên gần 30 hộ. Như gia đình ông Y Phút Byă từ một hộ có đời sống khó khăn đã vươn lên hàng kinh tế khá nhất, nhì buôn.

Ông Y Phút chia sẻ: “Nhờ được cán bộ xã và huyện hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp để áp dụng vào sản xuất nên thu nhập của gia đình tôi đã tăng dần. Với 3 ha điều, 0,5 ha lúa và gần 40 con trâu, bò, mỗi năm gia đình có lãi hơn 100 triệu đồng”. Ngoài hộ ông Y Phút, trong buôn còn có nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi như: ông Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Thế Tiến mỗi năm trừ chi phí cũng thu về gần 100 triệu đồng; Trưởng buôn Y Tê Bkrông mỗi năm cũng có thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng từ trồng điều, lúa và chăn nuôi trâu, bò...

Cùng với sự phát triển về kinh tế, bộ mặt nông thôn ở buôn Đrăng Phốk đã có nhiều đổi thay; đời sống tinh thần của người dân được nâng cao. Hiện nay không chỉ các tuyến đường chính trong buôn được nhựa hóa và cứng hóa mà hầu hết các tuyến giao thông nội đồng chính của buôn cũng đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất và vận chuyển nông sản. Điện lưới quốc gia được kéo đến từng hộ gia đình. Trong buôn, nhà nào cũng đã mua được ti vi, xe máy; nhiều nhà sắm được cả xe cày; 88 hộ trong buôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến lớp, toàn buôn hiện có 11 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh…

Trưởng buôn Y Tê Bkrông không quên nhắc đến niềm vui của người dân buôn Đrăng Phốk khi được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang. Những con đường làng sạch đẹp cho đến những ngôi nhà sàn, nhà ngói kiên cố vững chắc nằm xen lẫn giữa các vườn cây xanh tốt đã tạo nên diện mạo mới cho buôn Đrăng Phốk. Dẫu chưa phải đã hết khó khăn, song người dân trong buôn luôn vững niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Tú Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.