Đổi thay ở thôn người Dao xã Cư Suê
10:52, 01/02/2020
Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua, cộng đồng người Dao ở thôn 3 (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thay đổi diện mạo vùng đất nghèo khó trước đây.
Cách đây hơn 65 năm về trước, những người Dao Thanh Phán rời quê hương Quảng Ninh vào vùng đất Cư Suê lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Với sự cần cù, chịu khó và mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, đến nay cuộc sống của họ đã thay đổi rõ rệt. Từ mô hình trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và bơ... mà hầu hết các hộ dân đều có kinh tế khá giả, không ít hộ đã sắm được ô tô đắt tiền.
Đơn cử như hộ ông Lý Trung Ngọc có hơn 3 ha đất trồng cây công nghiệp, gồm 400 cây sầu riêng, 500 cây tiêu và trên 100 cây bơ booth mang lại nguồn thu nhập không nhỏ mỗi năm, trong đó, cây sầu riêng cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí.
Ông cho hay, khi mới đến vùng đất này làm kinh tế, gia đình ông chủ yếu trồng cây cà phê. Mãi đến năm 2003, nhận thấy trồng cà phê cho lợi nhuận thấp, giá cả bấp bênh nên ông quyết định trồng xen cây sầu riêng, năm 2009 tiếp tục trồng xen thêm cây tiêu. Đến năm 2013, gia đình ông đã chặt hết vườn cà phê và chỉ trồng tiêu, sầu riêng.
Người Dao ở thôn 3, xã Cư Suê trao đổi kinh nghiệm sản xuất và động viên nhau trong cuộc sống. |
Chính nhờ sự nhạy bén, nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường nên ông chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Với nguồn thu nhập mỗi năm khoảng 1-2 tỷ đồng, gia đình ông đã xây dựng được căn nhà khang trang, mua sắm ô tô phục vụ nhu cầu đi lại, thoát hẳn cảnh chật vật, thiếu trước hụt sau như những năm mới lập nghiệp.
Hay như chị Triệu Thị Châu, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên, chuyên ngành cử nhân sinh học đã đứng ra thành lập mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp & Dịch vụ Bình Minh để liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững.
Theo chị Châu, trước đây, người dân chủ yếu sản xuất cà phê, hồ tiêu theo kiểu nhỏ lẻ, thiếu liên kết, dựa vào điều kiện tự nhiên, cho nên năng suất đem lại không cao. Năm 2014 khi đang làm cán bộ khuyến nông của xã, chị được cử tham gia lớp tập huấn sản xuất cà phê bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; biện pháp nâng cao năng suất sản lượng các loại cây trồng trên một diện tích.
Trong tổng số trên 150 hộ người Dao ở thôn 3 thì khoảng 120 hộ có điều kiện kinh tế khá và giàu; thu nhập bình quân của người dân đạt mức 75 triệu đồng/năm.
|
Từ những kiến thức tích lũy được, tháng 8-2016, chị đã vận động các thanh niên trí thức trong thôn cùng thành lập Hợp tác xã với 27 thành viên tham gia góp vốn đều là người Dao, thêm các hộ dân liên kết sản xuất là 145 thành viên.
Từ những vườn cà phê, hồ tiêu nhỏ lẻ, sản xuất theo kiểu “giao cho trời đất”, năng suất thấp chỉ từ 1,5 - 2 tấn/ha, nay được chăm sóc đúng kỹ thuật đã tăng lên 2,5 -3 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm cà phê của nông dân trong Hợp tác xã sau khi thu hoạch được phơi sấy theo quy trình khoa học nên bán được giá cao hơn …
Nhờ liên kết sản xuất cà phê , hồ tiêu theo hướng bền vững, đời sống người dân nơi đây không ngừng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình đạt từ 200 - 400 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã sắm được ô tô, các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và phương tiện làm nông nghiệp.
Ông Triệu Tài Sang, Trưởng thôn 3 cho biết: “Thôn 3 có trên 95% hộ dân là người Dao (trên 150 hộ), đời sống hầu hết là nhờ vào sản xuất nông nghiệp; trong đó, chủ lực là cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và bơ. Nhờ việc tập trung sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường nên đời sống của hầu hết các hộ đều trở nên khá giả ”.
Một thay đổi rõ rệt ở vùng quê này nữa là khi đời sống kinh tế phát triển, người dân cũng thay đổi nhận thức, hành động trong việc tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, nhất là phong trào làm đường giao thông nông thôn. Qua 10 năm triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới đến nay, người dân thôn 3 đã tham gia đóng góp gần 4 tỷ đồng để làm đường nội thôn với tổng chiều dài trên 5 km. Cũng nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Người dân không còn chịu cảnh đi lại trên những con đường đất đỏ bụi mù, thay vào đó là những con đường bê tông sạch – đẹp nối liền, góp phần thúc đẩy giao thương, nâng cao giá trị nông sản của người dân địa phương.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc