Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ đam mê trồng hoa

08:57, 11/02/2020

Đam mê trồng hoa, cây cảnh, ông Đỗ Lương Tá (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) và anh Phan Đình Sỹ (ở tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) đã năng động biến đam mê thành mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao.

Cựu chiến binh làm giàu từ hoa hồng

Nhiều người yêu hoa ở TP. Buôn Ma Thuột đã quen thuộc với vườn giống hoa hồng cổ “Đại Ngọc Sơn” ở phường Tân An của gia đình cựu chiến binh Đỗ Lương Tá (dân tộc Mường, ở tổ dân phố 4, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), nơi ông ươm trồng hàng trăm loại hoa hồng cổ, hồng ngoại.

Sau một thời gian trồng cây cà phê và các loại cây ăn trái không mấy hiệu quả, ông Tá quyết định lựa chọn cây hoa hồng để phát triển kinh tế. “Trong quá trình làm vườn, tôi tình cờ học được phương pháp ghép, chăm sóc cây hoa hồng của cán bộ kỹ thuật. Trồng hoa hồng không chỉ thỏa niềm đam mê, thoải mái tinh thần mà còn có hiệu quả kinh tế cao”, ông Tá chia sẻ.

Ông Tá chăm sóc vườn hồng của gia đình.   
 Ông Tá chăm sóc vườn hồng của gia đình.

Đầu năm 2012, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ sách hướng dẫn kỹ thuật và các hội nhóm trồng hoa hồng, ông Tá bắt tay vào trồng hoa trên diện tích 2 sào đất của gia đình. Ban đầu, vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên ông chỉ trồng vài trăm chậu. Dần dần ông mở rộng diện tích trồng thêm hơn 2 sào tại xã Ea Tu với 5.000 chậu hoa. Đến nay, ông đã có 7.000 gốc hồng với hơn 200 giống khác nhau, từ loại hồng bản địa: hồng cổ vân khôi, hồng cổ Sa Pa, hồng cổ Hải Phòng… đến hồng ngoại, hồng lai nhập từ Anh, Pháp như: Juliet, Julio, Jubilee, Alexander of kent… Mỗi năm, cung cấp ra thị trường 4.000 – 5.000 cây giống.

Theo ông Tá, trồng hoa hồng cho thu nhập cao, đặc biệt là hoa hồng cổ nhưng đây cũng là loại cây kén đất, kén người trồng và đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc công phu. Chính vì vậy, trước khi muốn mở rộng mô hình, người trồng phải nghiên cứu kỹ đặc tính phát triển của các loại hoa hồng để chọn đất và cách chăm sóc. Ngoài ra, xác định theo nghề trồng hoa hồng, người trồng cũng cần phải chú tâm chăm sóc tỉ mỉ, chỉ cần lơ đãng chút là bị sâu bệnh, cây chết. Một kinh nghiệm trồng hoa nữa mà ông Tá đúc rút được là với các loại giống mới, ông thường khoanh vùng riêng, theo dõi sự phát triển, sau đó mới mở rộng diện tích. Như thế, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn rất nhiều so với việc chưa tìm hiểu kỹ loại đất, loại hoa mà đã đầu tư dàn trải.

Hoa hồng cổ rất được ưa chuộng, nhu cầu lớn nên không lo đầu ra. Thông qua mạng xã hội, cơ sở trồng hoa của ông Tá được nhiều khách hàng biết đến. Ông tâm niệm không chỉ bán hàng thu tiền là xong mà muốn chia sẻ niềm đam mê với khách hàng. Vì vậy, dù là khách mua cây giống chỉ vài chục nghìn đồng hay mua cây vài triệu đồng, ông đều sẵn sàng hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc. Đặc biệt, trong quá trình trồng, nếu cây bị bệnh gì, chỉ cần khách hàng điện thoại hỏi, ông sẵn sàng tư vấn.

Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Tá thu từ 400 - 500 triệu đồng từ việc bán cây cảnh và hoa hồng. Không dừng lại ở đó, ông còn trang trí vườn hồng của mình thành điểm cho thuê chụp ảnh. Hiện gia đình ông đã phát triển mô hình trồng hoa hồng cổ với diện tích lên tới 7 ha ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hưng Yên, Sa Đéc…

Trồng lan chơi, cho thu nhập thật

Lúc đầu anh Phan Đình Sỹ (ở Tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) chỉ trồng hoa lan chơi vì yêu thích màu sắc và mùi hương của loài hoa này.

Hơn 3 năm nay, nhận thấy nhu cầu chơi hoa lan ở địa phương ngày càng cao, anh Sỹ đã mạnh dạn trồng và nhân giống hoa lan để bán. Cứ ở đâu có những loại lan đẹp, kiểu dáng và màu sắc lạ anh lại tìm đến sưu tầm về trồng trong vườn nhà. Ngoài ra, anh còn tìm cách tự nhân giống lan để trồng nhằm giảm chi phí. Vốn ít nên anh cứ tích lũy đầu tư dần dần, lấy ngắn nuôi dài.

Gia đình anh Phan Đình Sỹ có thu nhập ổn định nhờ trồng hoa lan.
Gia đình anh Phan Đình Sỹ có thu nhập ổn định nhờ trồng hoa lan.

Vừa trồng, vừa nhân giống… đến nay anh Sỹ đã có một vườn lan quy mô khá lớn, đa dạng về chủng loại và màu sắc, tập trung ở các loại như: Hồ điệp, đen rô, vũ nữ, long tu, ngọc thạch, dã hạc (hay còn gọi là phi điệp đột biến 5 cánh trắng)…. Tuy vườn lan chỉ rộng khoảng 100 m2 nhưng nhờ thiết kế các khay đựng và giá treo hợp lý nên có thể chứa được hơn 2.000 giò.

Những ngày đầu trồng đại trà, anh Sỹ cũng gặp không ít khó khăn trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây bị hao hụt nhiều. Nhưng nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi đến nay anh nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan. Theo anh Sỹ, hoa lan là cây khó tính, kén người trồng, người chơi nên việc nuôi lan vô cùng công phu và cầu kỳ, đòi hỏi phải nắm được kỹ thuật, tận tâm chăm sóc cây suốt quá trình từ khi phối giống đến khi ra thành phẩm… Để quảng bá cho vườn lan của mình, anh đã lập trang Facebook, Zalo giới thiệu sản phẩm với nhiều người chơi lan trong cả nước. Nhờ sự khéo léo, chăm sóc công phu, tỉ mỉ nên vườn lan của gia đình anh luôn phát triển tươi tốt, ra hoa đẹp và được khách hàng ưa chuộng.

Tùy theo mỗi loại lan mà giá bán dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, các loại lan quý hiếm có giá đến vài triệu đồng, thậm chí lên đến hơn chục triệu đồng. Khách hàng của anh Sỹ từ khắp các địa phương trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận như: Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… Bình quân mỗi năm vườn lan của gia đình anh xuất bán ra thị trường từ 3.000 – 4.000 giò lan các loại, sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc… anh có thu nhập từ 80 – 90 triệu đồng mỗi năm.

Đoàn Dũng - Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.