Nghị quyết 02 - "Đòn bẩy" mới để cải thiện môi trường kinh doanh
Ngày 1-1-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết 02).
Đây được xem là "đòn bẩy" mới cho công tác cải cách hành chính (CCHC) vốn đã được các cấp, các ngành và địa phương triển khai quyết liệt trong thời gian qua.
Rút ngắn thời gian giải quyết nhiều thủ tục hành chính
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua. Hằng năm, Chính phủ đã ban hành và quyết liệt triển khai nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; đã chủ động và tích cực hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
Tại Đắk Lắk, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, kế hoạch CCHC tiếp tục được các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã triển khai thực hiện tốt, mang lại những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC. Đặc biệt, cuối tháng 12-2019, tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk, với lộ trình đến năm 2021 có 100% thủ tục hành chính (TTHC) được đưa vào giải quyết ở đây.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: H.Gia |
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết này tiếp nối Nghị quyết số 02 (năm 2019) và các Nghị quyết số 19 (các năm 2014 - 2018) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những giải pháp đáng chú ý được Chính phủ nêu ra tại Nghị quyết 02 là sẽ rút ngắn thời gian giải quyết TTHC ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mang tính “nhạy cảm” như thuế, xây dựng, điều kiện kinh doanh...
Chẳng hạn về kinh doanh, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp phí môn bài vào ngày 30-1 của năm kế tiếp; giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/tự in hóa đơn và thông báo phát hành đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày (trong đó thủ tục đặt in/tự in hóa đơn là 2 ngày; thông báo phát hành hóa đơn 2 ngày).
Về thời gian cấp phép, thanh tra, kiểm tra xây dựng, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát lại quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày; nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm giảm số lượng các cuộc kiểm tra, số lần phê duyệt. V
ề cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, phải cập nhật và công bố công khai các TTHC liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi để tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh...
Gắn chặt trách nhiệm cấp thực thi
Điều dễ nhận thấy nhất ở mỗi quy định, nghị quyết… muốn sớm đi vào cuộc sống thì quan trọng nhất vẫn là yếu tố thực thi những quy định, nghị quyết đó. Để hạn chế thấp nhất tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, Nghị quyết 02 đã có những quy định về tình hình thực hiện, báo cáo kết quả… gắn chặt trách nhiệm cấp thực thi, nhất là cấp địa phương.
Chẳng hạn trong lĩnh vực xây dựng, Nghị quyết 02 yêu cầu các bộ và UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 13-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; giám sát và tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải quyết TTHC; trước ngày 20-3-2020 báo cáo tình hình và kết quả thực hiện gửi về Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về đăng ký tài sản, ngoài trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên môn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo, giám sát việc giải quyết TTHC tại địa phương, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định của pháp luật; ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính có tọa độ theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20-3-2020. Hay như việc cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh…
Công nhân nhập nguyên liệu tại Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Công ty TNHH Khánh Dương Đắk Lắk. |
CCHC là một trong những nội dung quan trọng nhằm củng cố, phát triển nền hành chính nước nhà liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ tốt nhất quyền lợi của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước. Với những quy định cụ thể, quyết liệt, đột phá thẳng vào những vấn đề cụ thể, việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 02 sẽ giúp công tác CCHC có những bước chuyển quan trọng, mang lại nhiều kết quả tích cực, thiết thực, tác động mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 02 là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4. |
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc