Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh năng động giữa thời bình

11:34, 19/02/2020

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng trong quân ngũ, nhiều cựu chiến binh đã phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vượt mọi khó khăn, năng động vươn lên phát triển kinh tế, góp phần tích cực xây dựng quê hương.

Từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Tây Nguyên, sau nhiều năm trong quân ngũ, năm 1981 ông Triệu Văn Khiêu xuất ngũ trở về quê hương Cao Bằng. Cuộc sống khó khăn, năm 1989 ông cùng gia đình vào lập nghiệp tại thôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi (huyện Lắk).

Những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới gặp vô vàn khó khăn song với ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông Khiêu quyết chí vươn lên. Ông chăm chỉ làm thuê cuốc mướn, phát hoang thêm đất rẫy để canh tác. Năm 2000, ông mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để trồng cà phê. Ông mua thêm bò về nuôi lấy phân bón cho cây cà phê; đồng thời để có chi phí trang trải hằng ngày “lấy ngắn nuôi dài”, ông Khiêu đào ao thả cá, nuôi thêm vịt để bán. Đến nay, gia đình ông Khiêu đã có hơn 3 ha cà phê, hơn 3 sào ruộng, nuôi bò…; sau khi trừ chi phí mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng. Gia đình có cuộc sống ổn định, ông Khiêu trở thành tấm gương sáng trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Cựu chiến binh xã Đắk Phơi.

Cựu chiến binh Triệu Văn Khiêu.
Cựu chiến binh Triệu Văn Khiêu.

Quê ở Thái Bình, ông Nguyễn Văn An nhập ngũ năm 1979 làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia. Đến năm 1987, sau khi rời quân ngũ, ông đưa gia đình vào sinh cơ lập nghiệp tại tổ dân phố 1, thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông). Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm sản xuất, nguồn vốn eo hẹp cộng với giá cả nông sản bấp bênh nên kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Do canh tác nhiều năm, đất đai bắt đầu bị bạc màu, trồng lúa, khoai năng suất không cao như trước, ông mạnh dạn chuyển sang trồng thử nghiệm 3 sào điều. Qua quá trình trồng thử nghiệm, ông thấy cây điều phát triển tốt, chỉ sau 3 năm đã cho trái, cây nào cây nấy trĩu quả nên ông tiếp tục đầu tư vốn mua thêm đất mở rộng diện tích.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn An.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn An.

Sau khi trồng được 20 năm, giống điều bị thoái hóa, cây bị bệnh nhiều, năng suất giảm. Ông An mạnh dạn phá bỏ 3 sào điều hạt chuyển sang trồng điều ghép. Cây điều được chăm sóc tốt hơn, năng suất cũng được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, nhận thấy việc trồng độc canh một loại cây không mang lại hiệu quả, ông An đưa vào trồng xen canh sầu riêng, bơ, măng cụt; kết hợp nuôi gà đẻ trứng, bồ câu Pháp trên diện tích 8 sào đất rẫy bạc màu. Dần dần, tích lũy được vốn, ông mua thêm đất rẫy. Hiện gia đình ông có thêm 2 ha đất trồng bơ, sầu riêng, măng cụt ở huyện Cư Kuin. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông An mang lại nguồn thu hơn 500 triệu đồng.

Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, cựu chiến binh Nguyễn Văn An còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Trên cương vị Chủ tịch Hội CCB thị trấn Krông Kmar, ông đã cùng hội viên tích cực tham gia các hoạt động; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho gia đình hội viên CCB. Ngoài ra, ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm; vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, đưa giống mới, chất lượng cao vào sản xuất.

Sau 7 năm trong quân ngũ, năm 1980 ông Trần Đình Nguyên xuất ngũ trở về quê hương Nghệ An. Đến năm 1985, hưởng ứng chính sách của Nhà nước, ông quyết định đi kinh tế mới tại thôn 1, xã Ea Hmlay (huyện M’Đrắk).

Cựu chiến binh Trần Đình Nguyên.
Cựu chiến binh Trần Đình Nguyên.

Với bản lĩnh người lính Cụ Hồ, ông Nguyên đã vươn lên vượt qua những khó khăn trong thời gian đầu lập nghiệp. Năm 2000, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cà phê, sầu riêng, chăn nuôi bò, gà; đồng thời khai hoang mở rộng diện tích trồng rừng… Tuy nhiên qua quá trình canh tác, nhận thấy sầu riêng hạt giá trị kinh tế không cao, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 80 cây sầu riêng Dona (30 cây đang cho thu hoạch), xen canh thêm 700 gốc đinh lăng. Ông chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nhờ vậy năng suất cây trồng cao và ổn định. Mỗi năm gia đình ông thu từ 2 - 2,5 tấn sầu riêng, bán với giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg. Từ 1 ha keo nguyên liệu giấy, xen canh cà phê, sầu riêng, đinh lăng; nuôi gà thương phẩm với quy mô 250 - 500 con, thu nhập của gia đình ông  ở mức trên 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Trần Đình Nguyên còn tích cực tham gia công tác xã hội. Từ năm 2006, ông được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ thôn 1. Ông đã cùng với Ban tự quản thôn tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, giúp cây con giống để cùng nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, thôn 1 hiện chỉ còn 10 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo; thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu văn hóa.

H’Yur Je – Đoàn Dũng – Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.