Multimedia Đọc Báo in

Thêm một lần nhìn nhận lại chuyện thị trường nông sản

12:19, 05/02/2020

Dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng vi-rút Corona mới (nCoV) diễn biến phức tạp trong những ngày qua không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế nói chung, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.

Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam. Khi dịch bệnh đường hô hấp cấp do nCoV bùng phát ở nước này, buộc các cửa khẩu phải có phương án hạn chế xuất nhập - cảnh cả con người lẫn hàng hóa. Tình trạng ùn tắc nông sản xuất khẩu đã diễn ra do hạn chế giao thương giữa hai nước. Ngay lập tức, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam, nhất là những mặt hàng nông sản phải chịu sức ép về thời vụ, bảo quản như trái cây đã xuống giá đến mức kỷ lục do không có "đầu ra".

Đó là điều không ai mong muốn khi mà những thiệt hại đều do điều kiện khách quan gây ra. Thế nhưng cũng phải nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên xuất khẩu nông sản của Việt Nam bị ảnh hưởng khi thị trường Trung Quốc gặp vấn đề. Nhưng việc tái cơ cấu, tìm kiếm thị trường mới dường như chưa được thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả dẫn đến chưa có được nhiều "kịch bản" ứng phó gắn với các diễn biến tình hình của từng giai đoạn cụ thể.

Hàng trăm xe nông sản, hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thời điểm cuối tháng 1 vừa qua.  								                         Ảnh: VOV
Hàng trăm xe nông sản, hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thời điểm cuối tháng 1 vừa qua. Ảnh: VOV

Đối với ngành Nông nghiệp, việc mở rộng thị trường xuất khẩu không phải là việc đơn giản, nhưng ngay tại thị trường trong nước, nông sản Việt Nam cũng đã gặp vấn đề. Điều này thể hiện rõ trong thực tế khi mà hầu hết những nông sản sản xuất trong nước (kể cả trái cây, sản phẩm chăn nuôi) không thể cạnh tranh được với nông sản nhập khẩu cùng loại. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản là do người tiêu dùng trong nước hầu như “mất niềm tin” với chất lượng nông sản sản xuất trong nước. Bài toán nữa đặt ra là chúng ta xuất khẩu sản phẩm thô (luôn gặp khó khăn, bất lợi), nhưng lại phải nhập sản phẩm tinh được chế biến từ chính sản phẩm thô đã xuất trước đó!

Rõ ràng việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đã gây nên những hệ lụy khôn lường. Do đó, bên cạnh tăng cường thương mại ở trong nước, việc đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm thô cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả. Muốn làm được điều đó, trước tiên sản phẩm làm ra phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bởi không chỉ xuất khẩu, ngay tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu dùng cũng ngày một đòi hỏi cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm. Do đó nhận thức về việc khai thác thị trường trong nước cần phải thay đổi, không thể xem nhẹ như lâu nay. Khi chất lượng nông sản bảo đảm, đáp ứng được các yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn mác của các thị trường khó tính thì việc mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ không hẳn là quá khó.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.